Hàng giả “đả” hàng thật,...

18-01-2016 07:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Đã thành lệ, cứ dịp này các mặt hàng bị làm giả gia tăng và rất đa dạng, từ hàng tiêu dùng thông dụng như quần áo, giày dép, nước uống đóng chai, bột ngọt,

Đã thành lệ, cứ dịp này các mặt hàng bị làm giả gia tăng và rất đa dạng, từ hàng tiêu dùng thông dụng như quần áo, giày dép, nước uống đóng chai, bột ngọt, nước mắm, rượu, bia, thuốc lá điếu, điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm... đến các mặt hàng có giá trị cao hoặc chức năng đặc biệt như: vàng, thẻ tín dụng, thẻ cào điện thoại, phần mềm tin học, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, phân bón, thức ăn chăn nuôi....

Theo lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, mặt hàng nào trong nước bán chạy thì trên thị trường sẽ xuất hiện hàng giả. Hàng giả được sản xuất tinh vi ở nước ngoài, in nhãn mác, bao bì tiếng Việt, sau đó tìm cách đưa vào trong nước, hợp thức hóa hoặc trà trộn với hàng thật để tiêu thụ. Càng giáp Tết thì hàng giả càng tìm mọi cách nhập lậu về trong nước tiêu thụ. Không chỉ có vậy, tại thị trường nội địa, hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc được sản xuất ngay tại trong nước cũng tung hoành trong dịp Tết, trong đó có các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Mới đây, Đội Chống hàng giả Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Bảo vệ chính trị 2 Công an TP. Hà Nội vừa bắt giữ một cơ sở chuyên sản xuất mì chính giả tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Theo khai nhận, một tháng, cơ sở này cho ra lò khoảng 15 tấn mì chính giả, bằng cách mua mì chính đóng bao giá rẻ, không có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó đặt mua vỏ bao bì in giả nhãn hiệu các hãng mì chính có thương hiệu, rồi tổ chức đóng gói bán ra thị trường. Kiểm tra cơ sở, lực lượng chức năng còn phát hiện bột giặt các loại và nước mắm mang nhãn hiệu Nam Ngư cũng được làm giả tại đây... Còn liên quan đến thuốc chữa bệnh, Thanh tra Sở Y tế TP. Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Đội Quản lý thị trường số 14 vừa kiểm tra một số cửa hàng thuốc Tây và phát hiện nhiều sai phạm. Tổng cộng có hơn 200 loại thuốc đã được tái “chế biến” từ thuốc hết date đã bị tẩy xóa và sửa lại hạn sử dụng, trong đó có kháng sinh, thuốc thần kinh, cai nghiện và cả thực phẩm chức năng. Theo Luật Dược, việc “thay đổi, sửa chữa thông tin về hạn dùng ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là hành vi sản xuất thuốc giả sẽ bị xử lý hình sự.

Trên đây chỉ là một số vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phức tạp thời điểm gần Tết. Hàng giả được sản xuất ngay trong nước, được sản xuất số lượng lớn theo đơn đặt hàng, hàng giả, hàng nhái luồn qua biên giới, được tuồn sâu vào thị trường nội địa... đã và đang âm thầm phá hoại nền sản xuất trong nước, lừa dối, tàn phá sức khỏe người tiêu dùng. Thủ đoạn của đối tượng buôn bán, sản xuất, vận chuyển hàng giả ngày càng tinh vi hơn nên công tác đấu tranh, bắt giữ đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng và chúng ta hy vọng trong thời gian tới bằng các biện pháp mạnh tay của các cơ quan chức năng và sự chung tay của người tiêu dùng sẽ dần giải quyết được vấn nạn này.


Văn Công
Ý kiến của bạn