Tôi là Hãng hàng không Germanwings, nạn nhân của căn bệnh trầm cảm của viên phi công phụ vừa gây tai họa khôn lường. Trong mấy ngày qua, chúng tôi đã kiểm điểm lại cả quá trình điều hành. Chúng tôi đã ưu tiên các hệ số an toàn lên hàng đầu như đầu tư máy bay A320, loại an toàn hạng nhất trên thế giới cùng việc đào tạo phi công… Tuy nhiên, có một điều sơ suất khi chúng tôi để lọt ở khâu sức khỏe tâm thần của phi công. Được biết, Andreas Lubitz từng bị mắc bệnh trầm cảm nặng. Cách nay 6 năm, viên phi công phụ này đã phải tạm nghỉ việc trong vòng 11 tháng. Đó là thời gian Andreas Lubitz đang được đào tạo để lái máy bay. Tôi biết, cả thế giới đang đặt câu hỏi nếu đúng Andreas Lubitz bị trầm cảm thì tại sao một người có tâm thần bất an như vậy lại được tuyển dụng để lái máy bay, nắm trong tay sinh mệnh của cả trăm con người?
Anh ta sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ với 12.500 dân cư nằm ở giữa hai thành phố lớn là Frankfurt và Bonn. Bố là nhân viên làm việc ở ngân hàng, mẹ là nhạc sĩ chơi đàn orgue ở nhà thờ. Andreas có một người em trai thích chạy việt dã và là thành viên của một câu lạc bộ hàng không. Những người quen biết với Lubitz đánh giá anh chàng: vui tính, hơi nhút nhát và dễ mến. Vậy thì làm sao giải mã được hành động của Andreas Lubitz? Phải chăng đó là hành vi của một kẻ tuyệt vọng nhưng không muốn chết một mình? Andreas Lubitz là một kẻ tuyệt vọng có ý đồ tự hủy hoại nhưng thái độ bất bình thường đó không được phát giác kịp thời? Hay đấy là hành vi của một thanh niên bất thình lình lên cơn điên loạn?
Tôi nhẩm lại những cơn ác mộng của các hãng hàng không khi phi công cố tình tự vẫn, trong đó có vụ năm 1982, phi công lao thẳng chiếc DC-8 của Hãng Japan Airlines khi đáp xuống sân bay Tokyo làm 24 người chết; Hãng Royal Air Maroc năm 1994 cũng phải trải qua kinh nghiệm đau thương tương tự; năm 1997, 140 hành khách và phi hành đoàn của Hãng hàng không Singapore, SilkAir trở thành nạn nhân của cơ trưởng. Nặng hơn cả là khi chiếc máy bay Ai Cập lao đầu xuống Đại Tây Dương ở ngoài khơi thành phố New York làm hơn 200 người thiệt mạng hồi năm 1999. Tất cả đều cho một bài học kinh nghiệm, dù có trang bị bao nhiêu thiết bị an toàn nhưng yếu tố con người, yếu tố sức khỏe là quan trọng số một. Tất cả đều chưa đủ nếu các hãng hàng không bỏ qua yếu tố này.
Germanwings