Hà Nội

Hang động - Những nguy cơ tiềm ẩn

13-07-2018 14:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Du lịch hang động có lẽ là loại hình được nhiều người, nhất là những người ưa mạo hiểm, thích cảm giác mạnh, ưa chuộng do bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ do thiên nhiên tạo ra còn có nét bí ẩn, hoang sơ và cảm giác tối tăm, lạnh lẽo, cô đơn, cách biệt với thế giới đầy ánh nắng mặt trời, những bất ngờ có thể gặp phải trên hành trình khám phá thiên nhiên hoang dã.

Tuy nhiên, hang động cũng giấu kín trong lòng nó những nguy cơ chết người...

Bài 1: Các loại bệnh tật dễ mắc phải trong hang động

Trái với cảm giác “an toàn” như mọi người vẫn nghĩ, hang  động nhiều khi là nơi chứa mầm một số bệnh nguy hiểm như nấm Histoplasma capsulatum, virus dại, Leptospira...

Histoplasmosis

Là một loại bệnh lý do nhiễm nấm Histoplasma capsulatum, một loại nấm có hai hình thái, có thể phân lập từ đất ở một số vùng như Trung và Đông Mỹ, Đông Canada, Mexico, châu Phi và Đông Nam Á. Bào tử của loại nấm này rất nhẹ, bay lơ lửng trong không khí hoặc phát tán qua chất thải của một số loài vật sống trong hang động như chim, dơi. Khi hít phải không khí có bào tử nấm, phổi sẽ là cơ quan bị bệnh đầu tiên. Nấm cũng có thể vào máu, tới gây bệnh tại các cơ quan khác.

Nguy cơ mắc nấm Histoplasma capsulatum rất cao ở người HIV/AIDS, người suy giảm miễn dịch do dùng các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày, người đang được điều trị hóa chất chống ung thư, người mắc các bệnh mạn tính (tim, phổi, thận,..).

Hầu hết các trường hợp nhiễm Histoplasma đều không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, không đặc hiệu nên thường bị bỏ qua. Nhiễm Histoplasma chỉ tình cờ được phát hiện bằng các test da dương tính với Histoplasmin và đôi khi có hình ảnh lắng đọng calci ở phổi và lách đươc thấy khi chụp Xquang. Thông thường, sau nhiễm nấm có triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau cơ, tức ngực nhẹ, ho khạc đờm trắng, kéo dài khoảng 7-10 ngày. Khám lâm sàng không thấy gì đặc biệt. Chụp Xquang ngực cũng không thấy có tổn thương đặc hiệu. Một số trường hợp nặng có sốt cao, đau ngực, khó thở, sụt cân, tiêu chảy, loét niêm mạc họng, gan lách to, thể này hay gặp ở trẻ em. Bệnh nấm Histoplasma phổi mạn tính thường thấy ở người già có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch với những thương tổn thâm nhiễm ở đỉnh phổi, thấy rõ khi chụp Xquang hoặc cắt lớp phổi. Chẩn đoán xác định nhiễm nấm Histoplasma capsulatum thông qua các dấu hiệu lâm sàng, chụp Xquang phổi, soi đờm tìm bào tử nấm hoặc test tìm kháng nguyên với loại nấm này trong máu.

Hang động  Những nguy cơ tiềm ẩnMô hình nấm Histoplasmosis xâm nhập phổi gây bệnh.

Điều trị nhiễm nấm Histoplasma capsulatum bằng các thuốc như itraconazol 200 - 400mg/ngày, đường uống là biện pháp được lựa chọn với tỷ lệ đáp ứng chung khoảng 80%. Thời gian điều trị thay đổi từ vài tuần đến vài tháng phụ thuộc vào mức độ bệnh. Amphotericin B được dùng đối với các bệnh nhân không thể dùng bằng đường uống, không đáp ứng với itraconazol, viêm màng não hoặc bệnh toàn thân nặng ở người bị rối loạn miễn dịch.

Bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây nên. Đây là loại virut thuộc họ Rhabdoviriae gồm hơn 200 loại siêu vi gây bệnh cho những loài động vật có xương sống. Bệnh lây truyền qua vết cắn của một số động vật như chó, mèo… và dơi trong các hang động, nhất là dơi hút máu. Cá biệt, bệnh dại cũng có thể lây qua đường hô hấp ho hít phải không khí có nhiễm virut dại như trong các hang động có nhiều dơi trú ẩn. Loài dơi rất nguy hiểm vì chúng có thể mang virut dại nhưng biểu hiện hoàn toàn khỏe mạnh, tiết virut dại vào nước bọt rồi truyền đến động vật khác và người.

Sau khi xâm nhập cơ thể, virut dại tồn tại gần vết cắn một thời gian sau đó tăng sinh tại các tế bào cơ. Virut tiếp tục xâm nhập hệ thần kinh trung ương và lan tỏa đến tất cả hệ thần kinh của cơ thể, gây tổn thương không hồi phục.

Sau khi bị nhiễm virut dại, bệnh chưa bộc phát ngay mà có thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 20-60 ngày nhưng cũng có thể ngắn khoảng 4 ngày và kéo dài đến nhiều năm. Bệnh biểu hiện qua hai giai đoạn: Giai đoạn khởi phát với các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, sốt, đau cơ, ngứa, dị cảm tại vết cắn (có thể đã lành hẳn), thay đổi tính tình (hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, kích thích, trầm cảm…), ho, cảm giác ớn lạnh, tiêu chảy, nôn mửa, ăn uống khó tiêu... Thời kỳ toàn phát với hai thể chính: thể hung dữ và thể bại liệt. Thể hung dữ rất hay gặp trên lâm sàng: sợ nước sợ gió, cơn co thắt thanh quản, kích thích vật vã, ảo giác, mất định hướng, co giật toàn thân, ngừng tim ngừng thở, rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao, tăng tiết nước bọt, chảy nước mắt, vã mồ hôi, đồng tử giãn, tụt huyết áp tư thế. Bệnh tiến triển nhanh và thường tử vong trong vòng 2-4 ngày sau khi lên cơn dại đầu tiên. Thể bại liệt chiếm khoảng 20% các trường hợp dại lên cơn, xảy ra ở bệnh nhân đã được chích ngừa vắc-xin sau khi bị súc vật dại cắn. Lúc đầu có thể dị cảm vết cắn, đau cột sống, đau chi bị cắn, liệt lan tỏa tiến triển lên chi trên, mất phản xạ gân xương, bí đại tiểu tiện, liệt các cơ, nhất là cơ hô hấp. Bệnh nhân sẽ tử vong trong khoảng 2-20 ngày.

Yếu tố quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh dại đó là khai thác thật kỹ tiền sử bị súc vật cắn, tiền sử đi du lịch, thăm quan hang động có dơi hoặc các loài chim cư trú trong hang, vào mùa dịch tễ của bệnh. Cần đặc biệt chú ý những khu vực hang động có dơi, chim chết không rõ nguyên nhân. Các xét nghiệm khác như huyết thanh chẩn đoán, tìm kháng nguyên virut dại bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang, phân lập virut dại… đều ít có ý nghĩa áp dụng trên thực tế lâm sàng.

Cho tới nay, việc chích ngừa vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại vẫn là phương pháp chủ yếu và rất hiệu quả để xử trí cho người nghi bị nhiễm dại (bị động vật dại, nghi dại cắn, tiếp xúc với chất tiết của động vật dại qua vết thương…). Mọi trường hợp được phát hiện sau khi đã lên cơn dại đều vô phương cứu chữa.

Mời xem tiếp trên SK&ĐS: Những rủi ro khác cùng lời cảnh báo.


PGS.TS.BS. Vũ Đức Định
Ý kiến của bạn