Hà Nội

Hàng chục trẻ em thiệt mạng mỗi năm vì bạo lực, xâm hại

18-11-2014 15:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 18/11.

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1000 vụ bạo lực , xâm hại trẻ em ở Việt Nam , trong đó có hàng chục em đã thiệt mạng. Đáng chú ý, nhiều em nhỏ bị chính cha mẹ ruột hay người chăm sóc mình tước đoạt đi mạng sống.

Vụ bạo hành cháu bẽ Đỗ Doãn Lộc – 8 tuổi- ở Bắc Ninh hồi tháng 3/2014 do chính cha đẻ của em gây ra đã làm cháu bé tử vong. Người cha đã dùng roi và điếu cày đánh đập em đến nhập viện và tử vong sau đó. Nếu có sự can thiệp của người dân cũng như chính quyền địa phương trong những lần bạo hành trước đó hẳn cháu bé đã không phải có kết cục như vậy.

Theo khảo sát, có tới 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ- người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho rằng: “ Một điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng trẻ em bị bạo hành ngày càng nhỏ tuổi, là những đối tượng không có khả năng tự bảo vệ”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết kiến thức về quyền trẻ em, thiếu sự quan tâm của gia đình và sự xuống cấp của xã hội…. Buổi tọa đàm này là cơ hội để nâng cao nhận thức, ý thức chủ động của cha mẹ và các thành viên gia đình trong việc phòng ngừa các nguy cơ trẻ em bị lạm dụng, xâm hại, bị bạo lực, bảo đảm cho trẻ được sống trong môi trường an toàn để phát triển toàn diện.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra bạo lực và xâm hại trẻ em có thể để lại những hậu quả năng nề tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Nó làm giảm khả năng học tập, nhận thức và hòa nhập xã hội, tác động tới cuộc sống sau này của mỗi con người. GS Nguyễn Kim Quy cho biết: “Những đứa trẻ bị bạo hành sau này lớn lên sẽ hành xử với những người xung quanh bằng bạo lực”. Như vậy bạo hành ngay trong gia đình, bố mẹ vô hình chung chính là người đã tạo ra những hệ lụy cho con em mình sau này.

Bà Hoàng Lệ Thủy, Phó phòng dịch vụ tư vấn, Cục bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bộ Lao động thương binh xã hội, cho rằng: “Trong xã hội ngày nay, những người bố, mẹ đang thiếu kỹ năng làm cha mẹ, không dạy cho con em mình những kỹ năng bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân. Đó là sự chia sẻ, bất cứ điều thành công hay thất bại của con đều cần nhận được sự chia sẻ của bố mẹ, người thân trong gia đình. Làm được điều này sẽ không có nhiều vụ bạo hành đáng tiếc xảy ra”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hành động xâm hại, bạo lực trẻ em, trong đó có nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm đến con cái của các bậc cha mẹ. Đó là những phút giây không “kiềm chế’ được bản thân, thiếu “bình tĩnh” trong việc dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, do sự phát triển kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, đảo lộn giá trị sống, tạo ra lối sống gấp, hành vi lệch chuẩn. Nhiêu trẻ em bị xâm hại, bạo lực trong thời gian dài còn do những người xung quanh, nhất là người thân không tố cáo, tố giác kịp thời.

Cha mẹ, thầy cô giáo và người trực tiếp chăm sóc trẻ là những người gần gũi trẻ nhất, cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ trẻ em bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và không có khả năng tự bảo vệ bản thân. Đây là một trong những hướng tiếp cận quan trọng và là giải pháp để bảo vệ trẻ em khỏi các hành động bạo lực xâm hại. Hãy bắt đầu chăm sóc và bảo vệ con em từ chính trong ngôi nhà của mỗi người.

Hải Yến

 

 


Ý kiến của bạn