Hàng chục người bị rắn độc cắn, chuyên gia chỉ cách xử lý tránh liệt, tử vong

27-09-2023 08:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Một số loài rắn độc cắn có thể gây liệt, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh chỉ sau vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xử lý khi bị rắn độc cắn

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam hàng năm có nhiều ca rắn độc cắn. Thời gian xảy ra nhiều ca rắn độc cắn phổ biến nhất từ tháng 4 – 11. Thời gian cao điểm nhất là những ngày nắng nóng có mưa, thời tiết thay đổi khiến các sinh vật hoạt động mạnh, trong đó có rắn.

Hiện nay có một số loài rắn độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh chỉ sau vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Biểu hiện chính khi bị rắn độc cắn là gây liệt, chỉ từ 2-3 tiếng sau cắn. Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển để được hỗ trợ về hô hấp. Bởi khi bệnh nhân liệt cơ hô hấp không thở được nữa sẽ phải áp dụng thở máy. 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chỉ cách phòng ngừa và xử lý khi rắn độc cắn. 

Trong quá trình thở máy, bệnh nhân liệt hoàn toàn, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Nếu không có huyết thanh, các bác sĩ phải áp dụng rất nhiều biện pháp như dùng thuốc kháng sinh nhiễm trùng bệnh viện, chống loét, cải thiện chức năng hô hấp… để giải quyết và phòng tránh rất nhiều biến chứng có thể xảy ra.

Nếu điều trị tốt, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng với tốc độ chậm, kéo dài. Bên cạnh đó vẫn có những trường hợp bệnh nhân tử vong, kèm theo đó kinh phí điều trị cao. Huyết thanh là biện pháp điều trị tối ưu khi bị rắn độc cắn.

Phòng tránh rắn độc cắn

Ở các vùng nông thôn, người dân bị rắn cắn có nhiều nguyên nhân phổ biến nhất là chủ động bắt rắn với nhiều mục đích như làm thức ăn, bán, ngâm rượu… Do vậy người dân không nên bắt rắn, không chạm tay vào rắn kể cả rắn đã chết.

Các trường hợp hay bị rắn cắn là những người hay hoạt động trên nền đất như khi canh tác ở ruộng, nằm lều, nằm trên sàn nhà… Khi lao động, người dân cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ như găng tay, ủng và quan sát kỹ bụi cây, hang hốc, đống củi, gạch… do rắn thường lui tới và trú ngụ ở những nơi này.

Nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa và xử lý - Ảnh 2.

Một bệnh nhân bị hoại tử ngón chân do rắn cắn.

Phải làm gì khi bị rắn độc cắn? Khi bị rắn độc cắn, cần bình tĩnh xử trí, đặc biệt không đi lại nhiều. Có những trường hợp bị rắn độc cắn có thể gây liệt như cạp nong, cạp nia, rắn hổ chúa, rắn hổ mang… Chúng ta có thể sơ cứu bằng cách băng ép toàn bộ phần cẳng tay, cẳng chân bị cắn bằng băng chun giãn hoặc bằng vải rộng và hạn chế vận động. Điều này giúp cho nọc độc đi vào cơ thể chậm đi. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển. Tuyệt đối không để người bị rắn cắn tự đi lại.

Đối với trường hợp bị rắn độc cắn, việc sử dụng thuốc nam hay chích, rạch, bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc… đều không có tác dụng. Bên cạnh đó còn có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bị rắn cắn.

Hơn 70 loài rắn độc, gia tăng số ca bị rắn cắn

Việt Nam là một trong những nước có nhiều rắn độc với hơn 70 loài. Hiện tại là thời điểm số ca bị rắn cắn có thể tăng cao. Trong tuần vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hàng chục ca rắn cắn. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương sưng nề, thậm chí hoại tử.

Nhiều trường hợp bị rắn độc cắn, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa và xử lý - Ảnh 3.

Một ca bệnh bị hoại tử phần tay do đắp thuốc nam vào vết rắn cắn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng vừa tiếp nhận hai bé gái sinh đôi N.T.T và N.T.L (9 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ) bị rắn hổ cắn trong lúc đang chơi tại sân nhà. Sau khi được gia đình phát hiện, hai bé đã được cấp cứu và dùng huyết thanh để điều trị. Hiện tại sức khỏe hai bé ổn định và đã được ra viện.

Một người đàn ông 60 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ do thò tay vào tủ bị rắn cắn. Bệnh nhân nhập viện sau hai giờ bị rắn hổ cắn khiến tay sưng nề, khó cử động, đau buốt. Trước đó, ông đã sơ cứu tại trạm y tế gần nhà, do nguy kịch nên chuyển lên tuyến trên điều trị.

Ngày 20/9, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cấp cứu 02 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc làm vườn. rắn lục đuôi đỏ là loại rắn có thể gây tổn thương hoặc hoại tử cơ, suy thận, rối loạn đông máu - tức là làm cho nạn nhân dễ bị chảy máu hơn và khó đông hơn. Do bệnh nhân được đưa đến bệnh viện xử trí kịp thời nên hiện tại cả hai bệnh nhân đều đã hồi phục tốt.

Xem thêm video được quan tâm:

Nhập viện khẩn chỉ sau một vết cắn của loài rắn 'đáng sợ nhất' | SKĐS


Kim Dung
Ý kiến của bạn