Hà Nội

Hàng chục ngàn người ở Việt Nam cần ghép thận và chờ ghép tim, phổi

10-11-2016 10:57 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có hàng chục ngàn người bị suy thận mạn cần được ghép. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan.

Chương trình "Khi sự sống được sẻ chia" truyền hình trực tiếp trên VTV2 vào ngày 16/11 với sự góp mặt của Bộ trưởng Y tế sẽ truyền tải ý nghĩa nhân văn cao cả của việc hiến tạng.

Vào lúc 20h30’ ngày 16/11/2016 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô số 91 Trần Hưng Đạo – Hoàn Kiếm – Hà Nội sẽ diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp: "Khi sự sống được sẻ chia”. Chương trình do trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của Bộ Trưởng Bộ Y tế - Chủ tịch Hội vận động Hiến tặng mô, tạng Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo ngành y tế, đại diện 14 cơ sở ghép tạng, đại diện các sở y tế, những gương mặt điển hình trong việc thực hành nghĩa cử cao đẹp: hiến tạng cứu người, các tổ chức xã hội, đội ngũ tình nguyện viên, truyên truyền viên và hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí….

hien tang - khi su song duoc se chia

Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có hàng chục ngàn  người bị suy thận mạn cần được ghép. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc cần được ghép và hàng ngàn người chờ được ghép tim, phổi...

Ghép mô, bộ phận cơ thể người (tạng) là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, các bộ phận của cơ thể người bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, suy gan, suy tim, suy tuỷ, hỏng giác mạc...

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Có thể nói rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.

Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” năm nay nhằm mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người. Một lời kêu gọi đến cộng đồng xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình khi còn sống, đại diện những gia đình có người thân đã hiến tạng sau khi chết, chết não để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.


NV
Ý kiến của bạn