Hằng "cáo phó" - Người phụ nữ đã gặp 700 vị tướng

01-05-2014 08:44 | Thời sự
google news

Chẳng ai ngờ người phụ nữ trông rất bình dị này lại lập nên một kỷ lục có lẽ không chỉ Việt Nam mà cả thế giới: gặp hơn 700 vị tướng.

Chẳng ai ngờ người phụ nữ trông rất bình dị này lại lập nên một kỷ lục có lẽ không chỉ Việt Nam mà cả thế giới: gặp hơn 700 vị tướng.

Khi chúng tôi đến, thượng tá Trần Thanh Hằng vừa đi... gặp tướng ở Nghệ An về. Chị ngồi kể lại hành trình gặp tướng của mình, kể cả câu chuyện vì sao mình được gọi là Hằng “cáo phó”...

Thượng tá Trần Thanh Hằng (thứ 2 từ phải sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thượng tá Trần Thanh Hằng (thứ 2 từ phải sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cứ nghe thấy tướng là vùng dậy đi...

Trong hơn 30 năm làm nghề, lặn lội từ Bắc vào Nam thượng tá Trần Thanh Hằng - cán bộ bảo tàng lịch sử quân đội Việt Nam làm nên “lịch sử” khi sưu tập được hàng nghìn kỉ vật chiến tranh, gặp hơn 700 vị tướng, sưu tầm được nhiều hiện vật về tướng nhất.

Bộ sưu tập về các tướng với chị không chỉ liệt kê tiểu sử, chiến công mà phải kể ra những câu chuyện gắn với cuộc sống của họ như tình yêu, gia đình,…

Công việc sưu tập của chị bắt đầu từ việc tìm kiếm nhân vật. Chị căn cứ vào danh sách các tướng đã có sẵn trong Bảo tàng hoặc đến Thư viện quân đội, lục tìm trong các số báo từ năm 1955 đến nay mục cáo phó để lấy thông tin về tiểu sử, quê quán. Biệt danh Hằng “cáo phó” bắt đầu từ đây.

Sau khi lấy được một vài thông tin, chị sẽ tìm đến từng nhà vị tướng, rồi được ông tướng này chỉ sang ông tướng nọ. Chị say việc đến độ hễ nghe đến tướng là vùng dậy đi không cần biết trời đất mưa nắng, không kể thứ bảy hay chủ nhật.

Đợt ấy vào TPHCM, chỉ trong vòng một tháng chị đã tìm gặp được 200 vị tướng. Đầu tiên, đến Hội Cựu chiến binh của thành phố xin danh sách và số điện thoại của các vị tướng theo từng khu vực quận huyện.

Tối đến gọi điện theo danh sách đặt vấn đề, hẹn lịch đến xin hiện vật. Hôm sau dựa vào đấy để bắt đầu hành trình. Phương tiện kinh tế, hiệu quả, bền lâu nhất chị chọn là đi xe ôm. Đồng hành cùng chị trong chuyến đi ấy còn có một cậu đồng nghiệp trẻ, hai chị em thuê hai chiếc xe ôm cũng mất một khoản tiền kha khá. Một hôm, chị hẹn gặp chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng- nguyên Phó Tư lệnh quân chủng hải quân vào chiều tối.

Chị và đồng nghiệp bàn nhau đi chung một xe để tiết kiệm tiền, đến gần nhà sẽ đi bộ vào. Đến nơi hai người bất ngờ và xúc động khi thấy cụ Nguyễn Dưỡng đã đứng chờ sẵn ở ngõ. Khi cụ hỏi vì sao không đi hai xe cho an toàn, chị đành ái ngại, thành thật trả lời: “Chúng con hết tiền”. Nghe vậy, cụ thương lắm mang cho bao nhiêu hiện vật, lại còn biếu cả bánh trái mang về.

“Chai mặt” gặp tướng để xin hiện vật cho bảo tàng

Có nhiều lần, Hằng “cáo phó” phải “chai mặt”, lắm mới gặp được các vị tướng. Chuyến đi sưu tầm về Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - nguyên Phó Tư lệnh hải quân, khiến chị nhớ mãi. Đến nhà ông, chị được bà vợ cung cấp cho tiểu sử và ảnh, kèm theo một khẩu súng. Ông biết chuyện liền mắng bà, chị trình bày giấy giới thiệu thì ông bảo rằng “Bọn lừa đảo bây giờ làm giấy tờ giả nhiều, không tin được”.

Thượng tá Trần Thanh Hằng đến nhà riêng tướng Nguyễn Quyết để xin hiện vật

Đi họp cựu chiến binh, ông Phát cảnh báo: dạo này có bọn lừa đảo. May sao chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng lúc ấy phụ trách cựu chiến binh hải quân đã giải thích và giới thiệu chị với gia đình tướng Phát.

Chiều ngày hôm sau, anh Nguyễn Bá Tài, con trai tướng Phát đem đến tặng chị chiếc đồng hồ đặt trên bàn thờ, trên mặt có khắc ba chữ “Hồ Chí Minh” bằng chữ Hán. Đây là kỷ vật quý mà vị thiếu tướng đã cất giữ suốt cả đời lính lênh đênh trên sóng biển.

Thượng tá Hằng cũng không thể quên cuộc gặp với Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, người phi công nổi tiếng với thành tích bắn hạ 8 máy bay Mỹ trong những cuộc không chiến. Bảo tàng Phòng không- Không quân nhiều lần đến xin hiện vật nhưng ông đều không cho.

Khi chị tìm đến ông cũng không đồng ý, chị ngỏ ý muốn mượn bức ảnh chụp ông đang hướng dẫn con trai (cũng là phi công) tập bay về làm lại theo công nghệ mới. Sau những lần gặp gỡ , chị mới được ông tín nhiệm giao cho nhiệm vụ sang tài liệu ghi âm từ băng dây sang đĩa để dễ cho vào máy tính.

Hôm mang đĩa ghi âm sang cho ông, chị mới dám trình bày “Hiện nay Bảo tàng chúng cháu rất cần hiện vật để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hi vọng bác có thể giúp đỡ Bảo tàng”.

Nghe vậy, ông mang đem tặng Bảo tàng chiếc mũ bay cùng chiếc đồng hồ đeo tay được Bác Hồ tặng năm 1968 nhân dịp Người đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân.

Thời gian lăn lộn tìm kiếm hiện vật chị đã gặp nhiều tình huống “kẹt cò” phải ứng biến kịp thời. Khó khăn nhất là cuộc gặp gỡ với Thiếu tướng Phi Long - nguyên Cục phó Cục tác chiến, nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử Bộ tổng Tham mưu.

Trước đó chị đã nhờ các tướng khác gọi điện liên lạc trước nhưng ông đều từ chối không tiếp. Dù bị từ chối nhưng chị rất muốn gặp vì ông biết nhiều chuyện về các tướng. Chị và đồng nghiệp tìm đến nhà ông, bấm chuông gọi cửa không thấy trả lời, hỏi ra mới biết con trai ông vừa mất. Đến 1 giờ chiều, chị con dâu về mở cửa mời mọi người vào, thấy ông ngồi chống cằm suy tư, buồn rầu như một bức tượng đá, chị mở lời “Bọn con xin phép cụ được vào thắp cho anh nhà nén nhang”.

Ông nghe vậy, đồng ý. Vị tướng ấy đã cảm động trước tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp của chị nên mang ra chiếc máy ghi âm cũ mà ông đã từng dùng tại buổi tổng kết chiến tranh tổ chức ở Đà Lạt. Ông còn cho chị xem tập bản thảo các sự kiện trong cuốn sách sắp ra của mình.

Công việc đã mang đến cho chị cơ hội gặp gỡ, quen biết và giúp đỡ nhiều người. Chị đã góp một phần không nhỏ trong việc giúp liệt sĩ Hoàng Kim Giao được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Những kỉ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Võ Nguyên Giáp đã được chị nhen nhóm từ khoảng những năm 1982 - 1983, khi ấy Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn còn mang tên là Bảo tàng Quân đội.

Công việc sưu tầm hiện vật về Đại tướng bắt đầu từ những ngày chị còn làm việc tại khu kho hiện vật của bảo tàng ở Lăng Hoàng Cao Khải (Đống Đa, Hà Nội). Một hôm ông Nguyễn Huyên, thư kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm gặp và nhờ chị sưu tập lại toàn bộ ảnh về Đại tướng. Chị nhận được sự đồng ý, ủng hộ của Giám đốc Bảo tàng lúc đó là Đại tá Phạm Đức Đại.

Chị cặm cụi ngồi ghi chép lại số ảnh có ở Bảo tàng rồi đi tìm các Bảo tàng khác. Hồi ấy chị đã tập hợp được gần 600 trăm bức ảnh liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng, đóng thành sáu tập. Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng (năm 1991), chị cùng Đại tá Phạm Đức Đại mang bộ sưu tập ảnh sang nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu tặng Đại tướng.

Từ đó trở đi mỗi lần Đại tướng chuẩn bị xuất bản sách, chị lại có dịp được chọn ảnh giúp ông. Sau khi sách in xong chị được Đại tướng tặng một cuốn đã kí tên và đề “Tặng cháu Trần Thanh Hằng”.

Sau bộ sưu tập ảnh, năm 1990, chị bắt đầu sưu tập các hiện vật về Đại tướng. Chị đã sưu tập được gần 200 kỷ vật, tài liệu như ống nhòm, máy điện thoại, thư, trang phục… Duy chiếc ống nhòm, Đại tướng có phần phân vân khi thấy phu nhân đem tặng cho Bảo tàng: “Lấy ống nhòm của tôi thì khi tôi muốn đi khắp nơi phải làm thế nào?”.

Thấy thế chị liền bảo “Con xin ông rồi con sẽ mua cái ống nhòm khác trả lại”. Đại tướng đồng ý cho ống nhòm. Sau đó, chị nhờ một đồng nghiệp trong cơ quan đi mua một cái ống nhòm khác để trả cho Đại tướng. Một trong số kỷ vật Đại tướng trân trọng nhất là Huân chương Sao Vàng, tấm huân chương cao quý nhất Nhà nước trao tặng, cũng đã đưa cho chị để trao lại cho Bảo tàng.

Giờ đây ở tuổi gần 60, đã nghỉ hưu, nhưng Hằng “cáo phó” vẫn còn nguyên cái phản xạ: hễ nghe thấy tướng là vùng dậy đi...

Thượng tá Trần Thanh Hằng đã góp nhiều tư liêu trong nhiều cuốn sách về lịch sử quân sự Việt Nam Năm 2009 khi chị tham gia tổ chức “Cuộc vận động sưu tầm kỉ vật kháng chiến” rất cần lời động viên, cổ vũ từ Đại tướng để kêu gọi cựu chiến binh mang kỉ vật đem tặng cho Bảo tàng.

Thời gian này, Đại tướng đang nằm dưỡng bệnh, việc vào gặp rất khó khăn, thậm chí người nhà cũng không được phép. Chị muốn xin chữ kí và lời động viên của Đại tướng vào cuốn sách nhưng thư kí không cho vào, nói khó mãi họ mới vào báo cáo lại với bác. Lúc ấy Đại tướng vẫn nói được: “Phải đưa cuốn sách cho bác xem viết như thế nào, không tự nhiên bác kí cho đâu”. Chị đưa một bản thảo vào cho Đại tướng, trong đó có bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những kỉ vật vô giá”. Đại tướng đặc biệt đọc kĩ và chỉnh sửa cẩn thận từng lỗi sai. Chị nhớ mãi lời Đại tướng căn dặn:“Làm sử phải tôn trọng sự thật”.

 

 


Ý kiến của bạn