Hà Nội

Hàng bình ổn giá dịp Tết: Ðừng để nước chảy chỗ trũng

18-01-2019 07:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Tết Nguyên đán 2019 sắp đến, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều công bố có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ, chu đáo và khá toàn diện với những số liệu về quỹ hàng hóa bình ổn giá để phục vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra khá lạ lẫm với các mặt hàng được gắn mác bình ổn giá dù chương trình này đã diễn ra thường niên cách đây cả chục năm...

Hàng nghìn tỷ đồng cho hàng bình ổn giá

Để ngăn tình trạng sốt giá, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh thời điểm trước, trong và sau Tết của người tiêu dùng, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu khá dồi dào. Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị kế hoạch dự trữ hàng hóa ước tính tăng 10% so với kế hoạch năm 2018, đạt 28,5 nghìn tỷ đồng.  Theo đó, TP. Hà Nội đã chuẩn bị 190.000 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 12.000 tấn thịt bò, 250 triệu quả trứng, 250 tấn rau, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu bia...

Tại TP.HCM, số hàng hóa dự trữ đã lên hơn 18.000 tỷ đồng. Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, TP sẽ không để tăng giá đột biến những mặt hàng thiết yếu. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng thành phố tăng 13,2 - 16,9% so với kế hoạch và tăng 23 - 36% so với kết quả thực hiện Tết năm ngoái.

Tuy nhiên, thực tế những dịp Tết trước đây cho thấy, mặc dù các thành phố lớn đã chi hàng nghìn tỷ đồng bình ổn giá với lãi suất bằng 0% trong một số thời gian để các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ hàng phục vụ Tết thì những ý định tốt đẹp đó lại không có hiệu quả cao, thậm chí nhiều người dân cho biết họ không hề biết gì tới cái gọi là hàng hóa bình ổn.

Hàng bình ổn giá dịp TếtCác điểm bán hàng bình ổn giá chủ yếu tập trung ở siêu thị và mặt hàng còn nhiều hạn chế nên không mấy hiệu quả.

Vẫn “đỏ mắt” tìm nơi bình ổn

Khi được hỏi về “hàng bình ổn giá” và những “điểm bán hàng bình ổn giá”, rất nhiều người dân cho biết họ chưa nghe bao giờ. Tìm khắp một vòng các chợ Bưởi, Gia Lâm, chợ Ngọc Lâm đều là các chợ lớn của quận nhưng không thấy một điểm bán hàng bình ổn giá nào. Người thì cho biết “chưa bao giờ mua được hàng bình ổn giá và cũng không biết bán ở đâu”. Người thì chỉ “thi thoảng nhìn thấy quầy hàng bình ổn ở siêu thị”.

Hiện nay, các điểm bình ổn trên địa bàn Hà Nội đều tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, không xuất hiện ở hầu hết các chợ truyền thống và điểm dân cư. Điều này là nghịch lý của chương trình khi những đối tượng hạn chế thông tin là công nhân, người lao động bình dân lại chính là những đối tượng cần được bình ổn nhất khi giá cả leo thang, mà họ lại là những người hiếm khi bước chân vào những điểm “bình ổn giá” kia. Thêm nữa, đơn vị chức năng của các địa phương trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình là các Sở Công Thương, nhưng cũng không thấy các điểm bán hàng bình ổn giá được liệt kê và công khai một cách rõ ràng trên các website của Sở.

Dư luận cho rằng, một chương trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, đưa ra để phục người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và công nhân lao động, nhưng ngay trong tiếp cận ban đầu người dân đã khó khăn như vậy thì liệu có hướng nhầm mục tiêu?

Bình ổn nhầm chỗ?

Chương trình bình ổn giá mới chủ yếu hỗ trợ các đơn vị bán lẻ là các siêu thị. Trong khi đó, các đơn vị này hầu hết lại phải mua hàng hóa qua các đại lý cấp I, cấp II hoặc qua thương lái nên giá cả hàng hóa thường bị đẩy lên nên rất khó có thể cạnh tranh về giá. Đó là chưa kể trị giá các mặt hàng chủ yếu tham gia bình ổn cao nhất cũng chỉ chiếm từ 30 - 40% nhu cầu, chủng loại không phong phú nên khó có thể áp đảo được thị trường những lúc nguồn cung bị thiếu hụt.

Một ví dụ cụ thể, mặt hàng gạo nằm trong 12 mặt hàng nhu yếu phẩm dịp Tết thì chỉ có 2-3 loại là tham gia bình ổn; dầu ăn có tới 6-7 loại thì chỉ có 2-3 loại tham gia bình ổn, một số mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự như vậy khiến người tiêu dùng khó có điều kiện lựa chọn những mặt hàng ưa thích.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, việc điều hành giá bình ổn cũng có nhiều vấn đề, đó là khi hàng hóa của nông dân trong dịp này cần nâng lên theo nhu cầu để có giá hợp lý, người dân sẽ có lợi nhuận sản xuất thì hàng bình ổn lại ép giá xuống. Hoặc khi giá cả hàng hóa quá cao cần điều chỉnh giảm xuống thì bình ổn giá lại giữ giá, điều này khiến một số chuyên gia cho rằng việc bình ổn giá là “phi thị trường”. Những dịp Tết phải để quyền tự do định giá cho các doanh nghiệp theo cung cầu, trừ những mặt hàng do Nhà nước định giá.

Mặt khác, cần phải lưu ý thêm, doanh số của các siêu thị mới chiếm 25% thị phần, còn lại 75% là ở các kênh thương mại truyền thống như chợ, cửa hàng lẻ, hàng rong...  nên quỹ hàng hóa hàng chục nghìn tỷ đồng của các tỉnh thành phố công bố rất hoành tráng, song điều quan trọng là chắc chắn là Sở Công Thương và Sở Tài chính của địa phương đó không thể điều hành được quỹ hàng hóa đó.

Chính vì thế, muốn tổ chức bình ổn giá trong dịp Tết có hiệu quả, cơ quan điều hành, hệ thống thương mại cần tổ chức hệ thống phân phối rộng khắp, không ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện cho cung, cầu gặp nhau, hàng hóa được giao lưu, liên kết giữa các địa phương trong cả nước để hỗ trợ, phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Mỗi năm cận Tết, ngân sách lại chi ra hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện bình ổn giá. Nhưng những con số “khủng” này chỉ như tiếng sấm giữa không trung khi những người có nhu cầu thực sự vẫn chưa thấy được lợi ích gì một cách mạnh mẽ. Vậy, những nghìn tỷ đồng này có là một cách xử lý tốt hay chỉ là mối lợi thêm cho các điểm bán hàng mà thôi?


Bình An
Ý kiến của bạn