Hàn Quốc: Khi tự tử là vấn nạn xã hội...

14-10-2012 08:20 | Quốc tế
google news

Theo thống kê tại Hàn Quốc, cứ trên 100.000 người có 33,5 người tự tử. Mà tự tử liên quan đến những chiếc cầu mộng mơ cũng đáng báo động: Mỗi năm có 260 người nhảy vào dòng sông Hán từ những chiếc cầu tại Seoul.

(SKDS) - Theo thống kê tại Hàn Quốc, cứ trên 100.000 người có 33,5 người tự tử. Mà tự tử liên quan đến những chiếc cầu mộng mơ cũng đáng báo động: Mỗi năm có 260 người nhảy vào dòng sông Hán từ những chiếc cầu tại Seoul. Trên cầu Mapo trung tâm thủ đô Seoul Hàn Quốc vừa được bố trí nhiều hình ảnh và khẩu hiệu kêu gọi mọi người không nên tự tử. Ðây cũng là một biện pháp tăng cường phòng tránh vấn nạn này tại xứ sở Kim Chi.

Tự tử học đường - những con số đáng ngại

Một cuộc khảo sát toàn diện được Quỹ Phòng chống bạo lực thanh niên Hàn Quốc tiến hành cho thấy một con số đáng sợ về số học sinh bị bắt nạt. Theo đó, 20% số người được khảo sát cho biết mình từng bị bắt nạt và 30% số đó đã từng nghĩ đến việc tự tử. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, từ năm 2006-2010 tổng cộng đã có đến 735 học sinh tại các trường tiểu học và trung học thiệt mạng do bạo lực học đường. Cụ thể, trong năm 2009, 202 học sinh cấp ba tự tử, tăng 47% so với năm 2008. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, trong năm 2010, tổng cộng có 353 học sinh từ 10 - 19 tuổi tự tử vì bạo lực học đường.

Ngoài lý do bị bắt nạt, khảo sát của giới chức Hàn Quốc cũng cho thấy, cứ ba học sinh tự tử có một người vì những khúc mắc trong gia đình. Áp lực học tập, thứ hạng học tập cũng là những lý do khiến các em nghĩ đến chuyện tự tử. Áp lực tâm lý nặng nề đã khiến các em trở nên bế tắc và không biết giải quyết bằng cách nào ngoài việc tìm đến cái chết. Một thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, trung bình mỗi ngày một học sinh phổ thông trung học nước này chỉ ngủ khoảng 5 tiếng và dành đến hơn 11 tiếng cho học tập.
 
Áp lực học hành, sự lo âu không vượt qua được kỳ thi tuyển vào trường mà mình và gia đình kỳ vọng đã khiến nhiều học sinh Hàn Quốc trở nên quẫn trí. Một cuộc khảo sát khác của ngành giáo dục Hàn Quốc cho thấy, khoảng 20% học sinh THPT và THCS ở Hàn Quốc đã có lúc bị áp lực học hành đến mức cảm thấy không còn muốn sống nữa. Những con số biết nói về tình trạng học sinh bị đe dọa, bắt nạt hoặc chịu những áp lực tâm lý nhất định và phải nghĩ đến chuyện tự tử đã không đơn giản là chuyện của mỗi gia đình. Nó gây tâm lý hoang mang cho học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sâu xa hơn, nó làm ảnh hưởng đến cả tương lai của những người đang ở giai đoạn trẻ tuổi - trẻ lòng này.
 Mapo, cây cầu mơ mộng, lại là nơi người ta hay tìm đến cái chết.

Chính phủ ra tay

Bàn về hồ sơ tự tử tại Hàn Quốc, một chuyên gia phòng chống tự tử của nước này cho rằng, từ 15 năm nay Hàn Quốc bắt đầu trả giá cho sự phát triển kinh tế thần tốc của mình. Chuyên gia này nhấn mạnh: Quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc diễn ra quá nhanh, đến mức mà người Hàn Quốc không kịp thích ứng trước những vấn đề xã hội phát sinh.

Chính phủ Hàn Quốc đã không thể ngồi yên sau hàng loạt các vụ tự tử của học sinh do bị bạn học bắt nạt. Một trong những giải pháp được đưa ra là động viên học sinh không nên che giấu và chịu đựng một mình mà cần phải chia sẻ và đề nghị được giúp đỡ. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2012 đã có 34.968 trường hợp bạo lực học đường được thông báo đến đường dây nóng của cảnh sát (117). Trong khi đó, số lượng vụ việc được thông báo cho cảnh sát trong năm 2011 chỉ là 280 vụ.
 
Một quan chức của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết thêm, trong những tháng đầu năm, 1/2 các cuộc gọi cho tổng đài 117 là các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều học sinh (bị bắt nạt) đã chủ động liên lạc với cảnh sát để được giúp đỡ. Việc số cuộc gọi đến tổng đài 117 gia tăng nhanh chóng hiện nay đã cho thấy có sự thay đổi trong quan niệm của xã hội đối với hiện tượng bạo lực học đường vốn vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để ở Hàn Quốc.

Cơ quan quản lý giáo dục Hàn Quốc cũng đã tìm cách giải quyết những áp lực tâm lý học hành đối với học sinh. Đến nay có 4.300 trường học, chiếm 38% tổng số trường học ở Hàn Quốc đang có hệ thống theo dõi phát hiện sớm trầm cảm và cung cấp cho học sinh có nguy cơ để tư vấn, hỗ trợ tâm lý cần thiết và kịp thời. Đây là một tín hiệu tích cực nhằm giúp học sinh đối phó với áp lực học hành. Bên cạnh đó, sự quan tâm của cha mẹ và người thân trong gia đình đối với học sinh là rất quan trọng. Bởi các em sẽ cảm thấy được sẻ chia, cảm thông, cũng từ đó các em tìm được hướng giải quyết cho những bế tắc của mình.

Ngoài ra, chính quyền Seoul đã cho lắp đặt điện thoại báo động ở 4 cây cầu mơ mộng, nơi khi tuyệt vọng người ta thường tìm đến để kết liễu đời mình. Kết quả đã cứu được nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của ý đồ tự tử. Còn lần này, trên cầu Mapo, đây là chiếc cầu nối miền Bắc Seoul với trung tâm tài chính Yeouido nên rất “thu hút” những doanh nhân sa cơ lỡ vận. Trên cầu Mapo, ngoài những dòng khẩu hiệu còn có cả hình ảnh về những gia đình hạnh phúc, với mục đích khuyên mọi người nên biết luyến tiếc cuộc sống trần gian.

Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng Quỹ Phòng chống tự tử lên đến 1,6 triệu euro. Thế nhưng, theo chuyên gia nói trên, con số này còn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Chuyên gia này kêu gọi: Chính phủ Hàn Quốc phải nhận thức được rằng, tự tử không còn là vấn đề cá nhân mà đã trở thành một thảm họa xã hội.

              Quỳnh Diệp  (Theo KBS, Liberation)


Ý kiến của bạn