Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa hai bên sau hơn 1 thập kỷ. Cuộc gặp sẽ diễn ra tại Nhà Hoà bình, bên trong làng đình chiến Panmunjom, thuộc khu phi quân sự (DMZ) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Cuộc gặp đánh dấu những “ lần đầu tiên” diễn ra trong quan hệ giữa 2 quốc gia, đó là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh Liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc, lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên bước qua đường phân chia biên giới sang Hàn Quốc kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hay lần đầu tiên trong lịch sử các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, phóng viên nước ngoài được tham dự đưa tin. Theo thông tin của phía Hàn Quốc, gần 3000 phóng viên đã đăng ký đưa tin về sự kiện.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Hai nhà lãnh đạo sẽ đối thoại chính thức vào lúc 10 giờ 30 phút sau cuộc gặp sơ bộ tại Nhà Hòa bình. Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Để cuộc gặp diễn ra hiệu quả và tập trung vào chủ đề chính, phía Hàn Quốc đã gạt vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi chương trình hội nghị.
Một diễn biến thu hút sự chú ý của dư luận là khoảnh khắc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước ra vạch ranh giới quân sự sang Hàn Quốc, sau đó hai nhà lãnh đạo quay lại bước qua ranh giới Triều Tiên. Đây là một hành động mang tính biểu tượng, một dấu hiệu cho thấy sự hòa hợp không phải là cuộc đàm phán ở một phía.
Hành động quay lại sang bên kia Triều Tiên của 2 nhà lãnh đạo thu hút sự chú ý của dư luận
Một trang lịch sử mới bắt đầu
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa hai miền và nhằm giảm căng thẳng đối với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, mở ra cơ hội mới cho hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thu hút sự chú ý của dư luận bởi chỉ trong vài tuần nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Viết vào cuốn sổ lưu niệm trước khi vào phòng họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un viết: “Lịch sử sẽ bắt đầu từ đây. Thời đại hòa bình, từ điểm khởi đầu của lịch sử. “. Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, ông muốn tổ chức các cuộc thảo luận “thẳng thắn” về các vấn đề hiện tại và hy vọng hội nghị thượng đỉnh có thể dẫn tới một “kết quả tốt”. “Tôi hy vọng sẽ viết lên một trang mới giữa hai bên. Chúng tôi sẽ tạo ra một sự khởi đầu mới. Phải mất 11 năm để thời khắc lịch sử này xảy ra. Khi tôi đi bộ ở đây, tôi tự hỏi tại sao phải mất quá nhiều thời gian như vậy.” trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng ông không muốn lặp lại quá khứ khi hai nước không thể hiện thực hóa các thỏa thuận. Ông nói: "Tôi hy vọng chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận ngày hôm nay để những khát vọng hòa bình của người Triều Tiên trở thành hiện thực".
Hai nhà lãnh đạo cùng chiêm ngưỡng bức tranh núi Kumgang trước khi vào phòng họp
Tổng thống Moon Jae-in nói: "Mùa xuân lan khắp bán đảo Triều Tiên. Tôi tin rằng cuộc gặp mặt này cực kỳ quan trong đối với tất cả chúng ta. Tất nhiên, điều đó cũng có nghĩa là có một gánh nặng lớn trên vai chúng ta. Đồng chí Kim Jong-un, lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, đồng chí đã bước qua vạch ranh giới quân sự. Đây không còn là biểu tượng của sự chia rẽ nữa mà đã là biểu tượng của hòa bình. Tôi muốn tỏ ý trân trọng quyết định táo bạo và dũng cảm của ông". Cuối cùng hai bên sẽ có cuộc “đối thoại chưa từng có trong thập kỷ qua- Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh.
Theo truyền thông Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã dành 100 phút để thảo luận về các chủ đề như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ và một thỏa thuận hòa bình chính thức thay cho lệnh ngừng bắn có từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Bên cạnh đó, các quan chức hai miền cũng thảo luận một Tuyên bố chung, dự kiến được hai nhà lãnh đạo sẽ ký khi kết thúc đàm phán.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và em gái tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Lãnh đạo Kim Jong –un nói vui rằng: “Tôi sẽ đảm bảo không quấy rầy giấc ngủ của ngài nữa”, ngụ ý nói về các vụ thử tên lửa của nước này vào các buổi sáng sớm, đây là lần đầu tiên ông nói điều này trực tiếp với một Tổng thống Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc tin rằng, hội nghị này sẽ là “một món quà cho thế giới”. Ông Moon Jae-in mong rằng sẽ có nhiều cuộc gặp liên Triều trong tương lai, không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc mà còn ở Bình Nhưỡng, Seoul, đảo Jeju hay núi Paektu. Ông Kim khẳng định hai bên nên gặp nhau thường xuyên hơn.
Theo hãng tin chính thức của Triều Tiên (KCNA) cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thảo luận cởi mở với Tổng thống Hàn Quốc về tất cả các vấn đề nhằm cải thiện mối quan hệ song phương, với mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Chỉ vài ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Triều Tiên tuyên bố đình chỉ các thử nghiệm tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân, tháo dỡ các địa điểm thử nghiệm hạt nhân. Dư luận rất mong chờ Tuyên bố chung Panmunjom – được cho là có thể giải quyết vấn đề hạt nhân cũng như hòa bình ở khu vực.
Đến thời điểm này, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do hai bên chưa ký hiệp định hòa bình sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến sau chiến tranh liên Triều. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 28.000 binh sĩ Mỹ hiện đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Chiều 27/4, cuộc hội đàm lịch sử giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã khép lại với bản Tuyên bố chung Panmunjom. Theo đó, hai bên nhất trí trong năm nay sẽ biến Hiệp định đình chiến thành Hiệp ước hòa bình; sẽ tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay; biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "khu vực hòa bình"; tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ; nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn; tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5/2018; sẽ tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào tháng 8/2018; cùng tham gia các sự kiện quốc tế lớn như Á vận hội 2018. Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 này mở ra hy vọng về một nền hòa bình, đồng thời mang lại cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ và chung sống hòa bình lâu dài của bán đảo Triều Tiên.
Những hình ảnh tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử.
Hai nhà lãnh đạo duyệt đội danh dự
Những dòng chữ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong sổ lưu niệm