‘Hạn chế việc rút BHXH một lần bằng cách giúp người lao động vượt qua lúc khó khăn nhất’

02-11-2023 19:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 2/11, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ĐBQH tập trung thảo luận, trao đổi về quy định bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần...

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.

Hạn chế việc rút BHXH một lần bằng cách giúp người lao động vượt qua lúc khó khăn nhất - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Cùng trao đổi liên quan tới nội dung trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, chúng ta không khuyến khích việc rút BHXH một lần. Đại biểu cho rằng, "người ta đóng vào thì có quyền được rút ra" nhưng hưởng phần 8% đã đóng và trừ đi chi phí quản lý. Phần còn lại do doanh nghiệp đóng, người sử dụng lao động đóng thì sẽ đưa vào để trở thành Quỹ trợ cấp hưu trí.

Quan tâm tới quy định rút BHXH một lần tại dự thảo luật, ĐBQH Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, người đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình còn nhà nước lại muốn bảo vệ lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội. Mong muốn của cả hai bên đều rất chính đáng.

Theo bà Tạ Thị Yên, trong thực tế, tiền đóng BHXH là để dưỡng già và gắn với BHYT vốn được chi trả như nhau và không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng BHXH. Với mục tiêu mở rộng hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội BHYT, những người rút BHXH một lần sẽ vẫn được nhà nước đảm bảo.

Hạn chế việc rút BHXH một lần bằng cách giúp người lao động vượt qua lúc khó khăn nhất - Ảnh 2.

ĐBQH Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH. Ảnh: T.Vương

Bên canh đó, bà Yên cho rằng, không có cơ sở lo lắng về "trượt giá" vì nhà nước luôn điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở. Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, bà nghiêng về phương án 2 là đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân.

Theo bà Yên, nghị quyết 28 cũng đã chỉ rõ có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí cũng như giảm quyền lợi nếu như hưởng BHXH một lần. Do đó, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như trong dự thảo luật là rất cần thiết, hợp lý và nhân văn.

Hạn chế việc rút BHXH một lần bằng cách giúp người lao động vượt qua lúc khó khăn nhất - Ảnh 3.

ĐBQH Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Cũng liên quan đến vấn đề rút BHXH một lần, ĐBQH Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho hay, đây là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại.

Cho rằng 2 phương án mà Chính phủ trình tại dự thảo luật đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Do đó, đại nhiều đề xuất cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn… cũng như nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của việc đóng BHXH.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh: "Cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây sốc về chính sách, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội".

Chính thức trình phương án đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưuChính thức trình phương án đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưu

SKĐS - Chiều 2/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi).


Lê Bảo
Ý kiến của bạn