Hạn chế tối đa mù lòa do Glôcôm

13-03-2018 16:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hãy đến khám mắt để phát hiện bệnh Glôcôm- Là chủ đề của Tuần lễ glôcôm Thế giới năm 2018 diễn ra từ ngày 12/3 đến 17/3 do Hiệp hội Glôcôm thế giới phát động. Hiệp hội Glôcôm Thế giới (WGA) cũng gửi thông điệp tới cộng đồng: bệnh Glôcôm phải được khám phát hiện sớm, theo dõi và điều trị suốt cuộc đời.

Hưởng ứng Tuần lễ glôcôm Thế giới, ngày 13/3, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mít tinh phát động cùng hoạt động khám, tư vấn, đo nhãn áp miễn phí cho tất cả những bệnh nhân đang được theo dõi lâu dài. Đo nhãn áp miễn phí cho người nhà bệnh nhân từ ngày 12/3 đến 16/3.

Phát biểu tại lễ mít tinh Giám đốc BV Mắt Trung ương -TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp cho biết, Glôcôm là nguyên nhân gây mù mắt thứ 2 ở Việt Nam  cũng như nhiều nước trên thế giới, sau đục thủy tinh thể. Theo ước lượng của Tổ chức Y tế thế giới: năm 2010 trên thế giới có khoảng 60 triệu người bị Glôcôm trong đó có 8,4 triệu người mù 2 mắt do Glôcôm, dự đoán đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 80 triệu người bị bệnh Glôcôm. Xu hướng bệnh ngày càng tăng do có sự già hóa của dân số và nguy cơ số lượng người mù ngày càng tăng.

Thuật ngữ Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù loà do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

Giám đốc BV Mắt Trung ương,TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp phát biểu tại lễ mít tinh

Tuần lễ glôcôm Thế giới

Theo báo cáo mới nhất của Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện năm 2011 tại hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, 94% người dân tham gia khám sàng lọc còn lơ mơ hoặc không biết thông tin gì về bệnh glôcôm. Tỷ lệ Glôcôm trong một số cộng đồng dân cư nghiên cứu chiếm tới 2,2% (ở Nam Định) và 2,4% ( tại Thái Bình).

Một vấn đề đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glôcôm do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc điều này có thể dẫn đến mắt bị glôcôm nếu dùng trong thời gian dài.

Theo thống kê Bệnh viện Mắt Trung ương (năm 2009), bệnh nhân bị glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.

Một vấn đề đáng báo động  là nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát rất cao. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo; Bệnh nhân khi đã mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

 

* Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm:

- Những người hơn 35 tuổi. Tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn.

- Những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm

- Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân)

- Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, cao huyết áp ...

- Những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm

- Nhãn áp cao trên 25 mmHg

 


Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn