Hà Nội

Hạn chế tối đa bùng phát các dịch bệnh sau bão lũ

07-10-2009 15:55 | Thời sự
google news

Sau cơn bão số 9, cùng với những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản thì người dân miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh,

Sau cơn bão số 9, cùng với những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản thì người dân miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là trong tình hình dịch cúm A/H1N1 vẫn không ngừng gia tăng hằng ngày. Cục Y tế dự phòng và môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã có những biện pháp tích cực sẵn sàng đối phó với những diễn biến của dịch bệnh.

TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường: “Chưa ghi nhận sự bùng phát của dịch cúm A/H1N1 tại các vùng bão lũ”.

Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trận bão số 9 kinh hoàng vừa qua, người dân nhiều nơi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên phải sơ tán đến những nơi ở tập trung. Trong tình hình dịch cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp với sự gia tăng liên tục của các ca dương tính thì sự tập trung này lại chứa đựng nhiều yếu tố thuận lợi cho virut cúm lây lan qua đường hô hấp. Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế đã chỉ đạo cho các Viện Pasteur Nha Trang,Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh bám sát tình hình dịch bệnh. Mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn trong và sau bão lũ nhưng các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng ở miền Trung và Tây Nguyên luôn có những phản ứng tốt với tình hình dịch bệnh. Các ca bệnh dương tính với cúm A/H1N1 tăng lên hằng ngày nhưng tại các địa phương xảy ra bão lũ chưa ghi nhận những ca mắc mới. 

Tuy nhiên nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh khác sau lũ lụt là rất lớn do môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là vấn đề thiếu nước sạch cho sinh hoạt. Những dịch bệnh này không xảy ra ngay sau lũ mà thường khoảng 1 tuần sau đó, do các loại virut, vi khuẩn cần trải qua thời kỳ xâm nhập, ủ bệnh. Các loại dịch bệnh thường gặp là đau mắt đỏ, tiêu chảy (do tả, lỵ...), sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, bệnh viêm da... Biện pháp cấp bách đối phó với dịch bệnh lúc này là xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp cho người dân có đủ nước sạch. Các cơ quan truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân trong mọi điều kiện có thể, cùng y tế giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh phát sinh sau lũ, có biện pháp điều trị kịp thời, không để dịch bùng phát mạnh.

TS. Đinh Sỹ Hiền - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang: “Xuất hiện các ca bệnh đường hô hấp xảy ra trong vùng bão lũ miền Trung nhưng không phải là cúm A/H1N1”.

Bão lũ đã để lại cho 6 tỉnh miền Trung những gánh nặng lớn về y tế khi có tới 8.455 cơ sở y tế bị tốc mái và hư hỏng, 172 trạm y tế xã bị ngập nước. Gần 80.000 giếng nước của người dân đã bị ngập trong khi có tới 123.330 nhà vệ sinh bị ngập và hư hỏng. Đây là những yếu tố thuận lợi cho các loại dịch bệnh bùng phát. Theo kết quả giám sát mới nhất của hệ thống y tế dự phòng 6 tỉnh miền Trung có lũ lụt nặng thì dịch bệnh sau lũ chưa có nhưng hiện đã ghi nhận gần 250 ca mắc tiêu chảy, 182 ca đau mắt đỏ, 9 trường hợp lỵ. Riêng viêm đường hô hấp có 365 trường hợp nhưng không phải là cúm      A/H1N1. Viện Pasteur Nha Trang đã hỗ trợ các địa phương vùng lũ lụt 1470kg cloramin B dạng bột và 450 nghìn viên cloramin B. Nguồn thuốc khử khuẩn này đã được nhanh chóng đưa đến các vùng lũ để làm sạch môi trường. Hiện đã có trên 22 nghìn giếng nước ăn được khử khuẩn và 8.448 hố xí bị ngập được xử trí vệ sinh. Viện đang tiếp tục giám sát chặt chẽ mọi diễn biến của vùng bị bão lũ, cố gắng giảm tối đa sự bùng phát của dịch bệnh.

PGS.TS. Đặng Tuấn Đạt - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: “Chưa có phát hiện thêm các ca nhiễm cúm A/H1N1 ở vùng lũ”.

Vùng chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn bão số 9 vừa qua tại Tây Nguyên chính là huyện Tu Mơ Rông của Kon Tum. Nhiều xã bị cô lập gần 1 tuần. Nguy cơ lớn xảy ra dịch bệnh cho các địa phương này chính là nguồn nước sinh hoạt, do người dân ở đây có thói quen dùng nước giếng và nước suối. Các bệnh sau lũ dễ mắc là đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh tiêu chảy tả, lỵ... Đến thời điểm này chưa ghi nhận các điểm xảy ra dịch bệnh thường gặp sau lũ cũng như cúm A/H1N1. Toàn khu vực Tây Nguyên đã có khoảng trên 200 ca dương tính với cúm A và Kon Tum cũng đã ghi nhận những trường hợp cúm A/H1N1 nhưng sau trận lụt lịch sử này thì chưa phát hiện thêm các trường hợp mắc mới.

Để kiểm soát dịch bệnh sau lũ, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cung cấp cho Trung tâm y tế dự phòng Kon Tum 500 nghìn viên cloramin B và 70kg cloramin B dạng bột để làm sạch nước sinh hoạt, đồng thời cấp 600 nghìn viên thuốc kháng sinh để điều trị ngay cho các trường hợp bị bệnh hô hấp hay đường ruột do nhiễm khuẩn.      

            Lê Hảo (ghi)


Ý kiến của bạn