Nhiều hệ luỵ của mức sinh thấp dưới mức thay thế
Theo chuyên gia của Viện nghiên cứu Dân số gia đình và trẻ em, mức sinh thấp dưới mức thay thế sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số quá sớm, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội.
Hệ lụy sẽ càng nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, mới đạt mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam. Hơn nữa, kinh nghiệm nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy, mức sinh khi đã giảm sâu dưới mức thay thế thì rất khó tăng trở lại, ngay cả khi áp dụng những chính sách khuyến sinh rất tốn kém.
Vì vậy, chuyên gia cho rằng duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay, góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế cho biết, dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong hơn 10 năm qua nhưng lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng; xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, mức sinh rất cao, có nơi trên 2,5 con/phụ nữ.
Hiện nay, cả nước có 21 tỉnh có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.
"Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của đất nước…"- Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.
Khuyến khích người dân sinh đủ hai con
Để giải quyết bài toán khó khăn trong việc nâng mức sinh, tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình sẽ triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Trong đó, đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ 2 con tại địa phương.
Tại Đồng Nai, công tác dân số tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã đạt được các chỉ tiêu được giao, cụ thể: tỷ số giới tính khi sinh đạt 107,9 bé trai/100 bé gái, vượt chỉ tiêu Trung ương giao; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,93% vượt chỉ tiêu tỉnh ủy giao; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 81,65, sơ sinh đạt 78,22%...
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác dân số tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với những khó khăn mới. Đó là mức sinh của Đồng Nai được xếp vào 21 tỉnh thành có mức sinh thấp 1,9 con/mẹ; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn nhiều hạn chế; Đồng Nai có dân số trẻ nhưng tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân còn nhiều hạn chế…
Để nâng cao và duy trì mức sinh thay thế, Đồng Nai đang tập trung một số giải pháp như: thay đổi thông điệp truyền thông, chuyển từ truyền thông vận động sinh ít con sang sinh đủ 2 con; rà soát lại, thay đổi và có thể loại bỏ về chính sách xử phạt sinh nhiều con; cần nâng cao phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đồng thời hỗ trợ cho các gia đình trẻ sinh đủ 2 con như hỗ trợ đóng học phí khuyến khích gia đình có 2 con học tốt.
Theo dự thảo Luật Dân số hiện nay có đề xuất nhiều chính sách ưu đãi đối với những cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, trong đó có cả giải pháp "thưởng tiền", BSCK II Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh (thuộc Sở Y tế) cho hay đây là lần đầu tiên dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì đề xuất "thưởng tiền" và dành nhiều ưu đãi cho những cặp vợ chồng ở các tỉnh, thành đang có mức sinh thay thế thấp, khuyến khích họ sinh đủ 2 con.