Hà Nội

Hạn chế thiếu máu nhược sắc ở tuổi dậy thì

07-01-2020 09:31 | Đời sống
google news

SKĐS - Khoảng 20-25% bé gái bị thiếu máu nhược sắc, hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt.

Con gái tôi mới dậy thì, kinh nguyệt của cháu không đều và nhiều. 3 tháng trở lại đây tôi thấy da cháu xanh hơn, không biết cháu có bị thiếu máu và phải bổ sung những gì cho cháu. Mong bác sĩ tư vấn.

Trần Thu Oanh (Hải Dương)

Khoảng 20-25% bé gái bị thiếu máu nhược sắc, hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở bé gái vào khoảng 2,4ml/ngày (gấp đôi bé trai).

Tuy nhiên, do chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất, cộng với sự mất máu khi có kinh nguyệt, khiến bé gái bị mất chất sắt. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Những bé gái có vấn đề bất thường về kinh nguyệt như đã nêu ở trên thì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt càng nặng hơn nữa. Chứng thiếu máu nhược sắc còn do các bệnh đường ruột, do bị nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc (80-100% lứa tuổi học sinh bị nhiễm giun).

Để phòng tránh chứng thiếu máu nhược sắc, các bé gái cần tẩy giun theo định kỳ; điều trị tốt chứng thống kinh, rong kinh-rong huyết (nếu có). Đặc biệt, các bé gái cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng như ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C (vì vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn) trong bữa ăn, nhất là ở giai đoạn có kinh nguyệt. Nên bổ sung thuốc chứa chất sắt phối hợp với acid folic (rất cần cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này).


BS. Phương Thu
Ý kiến của bạn