Nếu phát hiện sớm các nguyên nhân gây tê tay chúng ta hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Nhưng nếu để tình trạng này kéo dài có thể gây nên những hệ quả khó lường. Thậm chí gây biến chứng teo cơ hoặc bại liệt.
Tê tay vì sao?
Có nhiều nguyên nhân gây tê tay nhưng dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất.
Hội chứng ống cổ tay
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tê tay ở những người tuổi trung niên. Là tình trạng chèn ép thần kinh giữa khi nó đi qua ống cổ tay. Dây thần kinh giữa là dây chi phối vận động và cảm giác chính của bàn tay. Vì vậy khi có tổn thương thần kinh giữa sẽ gây triệu chứng tê bì, dị cảm hoặc đau rát bàn tay, ngón tay.
Hội chứng ống cổ tay, chèn ép thần kinh giữa có thể gây tê tay.
Tê tay do hội chứng ống cổ tay thường gặp ở những người làm văn phòng dùng máy tính nhiều, người nội trợ, hoặc phụ nữ thời kỳ mang thai...
Thiếu vitamin và khoáng chất
Cơ thể cần vitamin B12 để giúp cho hệ thống dây thần kinh khỏe mạnh. Tình trạng thiếu hụt vitamin này có thể gây tê hoặc ngứa ran ở cả tay và chân. Bên cạnh đó, cơ thể thiếu kali và magie cũng có thể gây tê bàn tay và các ngón tay.
Mắc bệnh đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể thường gặp khó khăn khi vận chuyển đường từ máu vào tế bào. Do đó, khi lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ngoại vi. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường, gây tê tay và chân.
Nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa hội chứng ống cổ tay với bệnh đái tháo đường. Những người mắc đái tháo đường thường có tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn bình thường.
Bệnh lý đốt sống cổ
Thường gặp ở những người trung niên trở lên với các bệnh lý như thoái hóa, thoát vị đốt sống cổ gây chèn ép thần kinh vùng cổ gáy... Tuy nhiên xã hội phát triển như ngày nay ngày càng gia tăng tình trạng này ở người trẻ tuổi. Đối tượng trẻ hay gặp là dân văn phòng ngồi máy tính nhiều, hoặc những đối tượng ít vận động, làm việc sai tư thế. Bệnh lý vùng cổ ngoài triệu chứng tê tay thường kèm theo tình trạng đau cổ, vai, gáy và tình trạng tê từ trên vai dọc xuống bàn tay.
Bệnh lý đốt sống cổ là một trong những nguyên nhân gây tê tay.
Thiếu máu não cục bộ
Do một khu vực nào đó của não bộ bị thiếu máu tạm thời. Sẽ gây tình trạng tê tay nhưng kèm theo đó là tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Những người hay bị thiếu máu não cục bộ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn tốt nhất, tránh nguy cơ bị tai biến về sau.
Thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp
Khi các khớp tay, chân theo thời gian sẽ tổn thương do thoái hóa hoặc viêm khớp dạng thấp. Gây nên mất lớp sụn khớp bảo vệ sẽ làm bàn tay, chân vận động khó khăn, có thể kèm theo tê bì bàn tay, bàn chân.
Nếu có các dấu hiệu như tê bì, dị cảm hoặc đau rát bàn, ngón tay. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được khám và tư vấn điều trị một cách tốt nhất.
Chế độ ăn ngừa tê tay
Ngoài các biện pháp điều trị khác, việc thực hiện một chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là một cách hạn chế hiện tượng này. Chúng ta cùng tìm hiểu chế độ đó bao gồm thực phẩm gì nhé!
Thực phẩm giàu canxi: Những thực phẩm giàu canxi rất tốt cho những bệnh nhân xương khớp. Đó là:
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Rau củ: súp lơ, cải chip, giá, đỗ và các loại củ như cà chua, khoai lang, cà rốt...
Trái cây: chuối, cam, quất, sung, kiwi...
Thực phẩm giàu vitamin D và vitamin K: lòng đỏ trứng, bắp cải, nấm, dưa chuột, hành lá...
Thực phẩm chống oxy hóa:
Chè xanh: trong chè xanh có chứa flavonoid - là chất rất tốt để chống lão hóa, ngăn ngừa thiếu hụt canxi.
Các thực phẩm như: việt quất, cherry, ớt chuông,...
Ngoài ra tắm nắng sáng sớm cũng giúp tăng cường vitamin D giúp cơ thể phóng chống loãng xương.
Tê tay không nên ăn những thực phẩm gì?
Các loại thực phẩm có tính axit: chanh, mơ, ô mai, các loại thực phẩm có vị chua,... Tính axit trong thức ăn làm tiêu hao nguyên tố magie và canxi rất dễ mắc các bệnh đường ruột, táo bón,...
Đồ ăn mặn cũng là nguyên nhân giảm lượng canxi trong cơ thể.
Như vậy bạn đã có cái nhìn cơ bản nhất về những loại thực phẩm giúp cải thiện triệu chứng tê tay. Tuy nhiên, nếu bạn có vấn đề về tê tay, chân vẫn cần đi khám trước hết để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này nhằm có hướng điều trị hiệu quả.