Hạn chế tái phát chai chân

27-04-2014 13:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chai chân là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp sừng; ở tổ chức đệm là một khối xơ.

Hai bàn chân tôi bị chai khiến tôi phải dùng dao cắt gọt chỗ chai ấy 3 - 4 lần/tháng. Xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa được không và hạn chế bệnh này?

Nguyễn Văn Hồng (Châu Bình, Châu Quỳ, Nghệ An)

Chai chân là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp sừng; ở tổ chức đệm là một khối xơ do tổ chức xơ quá phát triển. Tổn thương là những đám dày sừng màu ngà, màu vàng, khum lên, hình tròn hay bầu dục, sờ vào rất cứng, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn, đôi khi ở trung tâm bong sừng tạo nên một lõm ở giữa. Những chỗ thường xuyên tiếp xúc và cọ xát với một vật nào đó lâu ngày sẽ xuất hiện chai ở điểm tiếp xúc.

Thủ phạm gây chai bàn chân thường là giày, dép, hoặc chính là xương các ngón chân ép sát vào nhau khi đi giày. Chai chân còn gặp ở những người có dị tật ở bàn chân: bàn chân khum, có di chứng bại liệt ảnh hưởng tới tư thế của lòng bàn chân hoặc do tính chất di truyền. Chai chân có thể điều trị dứt điểm nếu ta tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Do chai chân, tay rất dễ tái phát, vì thế, sau khi điều trị, bệnh nhân cần đề phòng tái phát bằng cách: tránh đi những đôi giày quá chật, quá cao, mũi nhỏ... để tránh những điểm tì quá mạnh. Nếu bàn chân đã có chai chứa nhân, thay vì đi giày, mà nên đi xăng đan...

Trong trường hợp phải đi giày, có thể dùng dây thun rộng khoảng 2 - 3cm quấn 3 - 4 vòng xung quanh bàn chân, phía trên và phía dưới vị trí của chai. Như vậy ta đã tạo một khoảng cách giữa chai và lót giày. Chai sẽ không chịu lực tì nữa.

BS. Vũ Thu Dung


Ý kiến của bạn