Hà Nội

Hạn chế tai biến do tăng huyết áp

04-07-2015 08:51 | Y học 360
google news

SKĐS - Người bị tăng huyết áp nhẹ: có số đo huyết áp tối đa từ 140 - 159mmHg và/hoặc số đo của huyết áp tối thiểu từ 90-99mmHg

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nhân loại có hơn 1,5 tỷ người mắc bệnh tăng huyết áp. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp là trên 25,1%. Bệnh gây các biến chứng nặng như tai biến mạch máu não, vỡ phình động mạch, nhồi máu cơ tim, suy thận... Làm gì khi bị tăng huyết áp để hạn chế tai biến của bệnh?

Các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh tăng huyết áp

Người nhà và bệnh nhân tăng huyết áp muốn bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình và người thân, cần nắm chắc cách nhận biết bệnh tăng huyết áp và xử lý cấp cứu như sau:

Theo WHO, người khỏe mạnh bình thường có trị số huyết áp thấp hơn 140/90mmHg; người bị tăng huyết áp nhẹ: có số đo huyết áp tối đa từ 140 - 159mmHg và/hoặc số đo của huyết áp tối thiểu từ 90-99mmHg; người bị tăng huyết áp vừa và nặng: có số đo huyết áp tối đa trên 160mmHg và/hoặc số đo của huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 100mmHg. Vì có những bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng, nên khi đo huyết áp hàng ngày, bạn cần so sánh kết quả đo được với các số liệu trên để đánh giá tình trạng bệnh tăng huyết áp.

Kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Thông thường, ở bệnh nhân bị tăng huyết áp, thường gặp các triệu chứng sau đây: nhức đầu, nhức phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, có khi kéo dài cả ngày; chóng mặt: bệnh nhân có cảm giác đi đứng không vững và hơi nặng đầu; mệt mỏi: có cảm giác nặng ở ngực và hơi khó thở; ù tai, mất ngủ, mắt mờ; miệng lệch, hay méo miệng, phát âm khó khăn; yếu liệt tay chân trong thời gian từ vài giây đến vài phút; bị chảy máu cam hay tái phát...

Cách sơ cấp cứu

Nếu phát hiện một người bị tăng huyết áp, bạn cần để người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn. Bản thân bệnh nhân cần giữ không nên nói nhiều vì khi nói không chỉ thanh quản hoạt động mà các cơ quan khác cũng chịu ảnh hưởng làm huyết áp càng tăng cao. Dùng máy đo huyết áp để xác định mức độ tăng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Biện pháp hạ huyết áp mức độ vừa: cho bệnh nhân uống một cốc nước ép cần tây hoặc cà rốt, khoảng từ 150-200ml nước. Uống nước ép này sẽ giúp giãn mạch, điều chỉnh rối loạn lipid trong máu và ổn định huyết áp. Bạn cũng có thể dùng nhân sen từ 2-3g hãm với nước sôi cho bệnh nhân uống sẽ giúp hạ huyết áp hiệu quả. Nếu có sẵn rượu vang đỏ, bạn cũng có thể cho bệnh nhân tăng huyết áp mức độ vừa uống từ 1 - 2 ly rượu vang đỏ, sẽ giúp các động mạch giãn nở, làm giảm áp suất máu.

Việc dùng thuốc hạ huyết áp

Tùy theo mức độ tăng huyết áp mà bệnh nhân cần dùng loại thuốc hạ huyết áp phù hợp. Dĩ nhiên là bạn chỉ nên dùng các loại thuốc hạ huyết áp mà bác sĩ đã chỉ định cho bạn dùng trước đây. Bạn không nên dùng thuốc hạ huyết áp của người khác theo sự mách bảo hoặc kinh nghiệm của riêng họ. Bởi một loại thuốc hạ huyết áp phù hợp với bệnh nhân này nhưng không thích hợp với bệnh nhân khác. Chẳng hạn có loại thuốc hạ huyết áp vừa có tác dụng hạ huyết áp vừa làm tăng nhịp tim, thì không dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp có nhịp tim nhanh, vì nếu dùng, nhịp tim càng nhanh khiến bệnh nhân rất mệt và hoảng sợ. Trái lại, có loại thuốc vừa có tác dụng hạ huyết áp, vừa làm chậm nhịp tim, thì không dùng cho bệnh nhân bị tăng huyết áp có nhịp tim chậm... Khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân thường được cho uống kết hợp thêm thuốc an thần để giúp bệnh nhân thư thái, giảm lo âu, tăng hiệu lực của thuốc hạ huyết áp. Nếu dùng thuốc hạ huyết áp có kết quả tốt, khi chỉ số huyết áp đã trở lại bình thường, bệnh nhân cần dùng các thuốc hạ áp có tác dụng chậm như perindopril, amlordipine,... với liều thấp để ổn định huyết áp lâu dài, nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng tránh tăng huyết áp

Bệnh nhân tăng huyết áp cần tự bảo vệ mình bằng cách phòng tránh những nguyên nhân làm tăng huyết áp như: tránh xúc động mạnh, tránh các căng thẳng thần kinh… Không uống rượu bia, không uống nước chè và cà phê đặc vì gây kích thích thần kinh, gây mất ngủ dễ tăng huyết áp. Không hút thuốc lá thuốc lào, tránh hít phải khói, bụi, hơi hóa chất độc như sơn, phân bón, thuốc trừ sâu... Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rau xanh và hoa quả chín, không ăn mặn, không ăn nhiều thịt mỡ và nội tạng động vật. Tập thể dục đều đặn vừa sức hàng ngày. Tạo trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan là biện pháp hiệu quả duy trì huyết áp ổn định. Mùa rét cần mặc đủ ấm, tránh dậy sớm tập thể dục ngoài trời lạnh.

Khi nào cần nhập viện?

Bệnh nhân tăng huyết áp cần nhập viện khi có các dấu hiệu nặng như sau: yếu nửa người, chân tay tê cứng không cử động được, hỏi không nhớ gì... thì người nhà cần chuyển ngay đến bệnh viện để khám và điều trị. Lưu ý trong quá trình di chuyển: bệnh nhân cần được nằm yên trên cáng phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới lỏng quần áo.

ThS. Trần Quốc An

 


Ý kiến của bạn