Hà Nội

Hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của erythromycin

30-11-2015 21:00 | Dược
google news

SKĐS - Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid, có phổ tác dụng rộng, tác dụng kìm khuẩn đối với vi khuẩn gram dương, gram âm và các vi khuẩn khác

Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid, có phổ tác dụng rộng, tác dụng kìm khuẩn đối với vi khuẩn gram dương, gram âm và các vi khuẩn khác bao gồm Mycoplasma, Spirochetes, Chlamydia và Rickettsia. Việc dùng erythromycin dễ gặp các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Vậy đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?

Erythromycin được kê đơn thông dụng, được chỉ định trong điều trị: Bệnh nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm ruột do Campy - lobacter, bạch hầu, viêm phổi, các nhiễm khuẩn do Legionella, viêm kết mạc trẻ sơ sinh và viêm kết mạc do Chlamydia, viêm phổi (do Mycoplasma, Chlamydia, các loại viêm phổi không điển hình và cả do Streptococcus), viêm xoang...

Erythromycin còn được dùng thay thế penicilin trong dự phòng dài hạn thấp khớp cấp.

 	Chostridium Difficile gây bệnh tiêu chảy có cơ hội phát triển khi dùng erythromycin.

Chostridium Difficile gây bệnh tiêu chảy có cơ hội phát triển khi dùng erythromycin.

Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và cách hạn chế

Khoảng 5 - 15% người bệnh dùng erythromycin (đường uống và đường tĩnh mạch) gặp tác dụng không mong muốn. Hiếm có các phản ứng không mong muốn nặng như: phản ứng sốc phản vệ, loạn nhịp tim, bilirubin huyết thanh tăng, ứ mật trong gan... Một trong những tác dụng phụ thường gặp của erythromycin là những khó chịu về tiêu hóa. Triệu chứng hay gặp là: buồn nôn, nôn, kém ăn, đau bụng và tiêu chảy. Các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa có liên quan đến liều dùng. Liều càng cao, phản ứng phụ càng rõ rệt. Đặc biệt với các trường hợp dùng erythromycin trong điều trị viêm phế quản, viêm xoang, biểu hiện đau bụng, tiêu chảy rõ rệt nhất từ ngày thứ 3 sau khi dùng thuốc. Do khi đó vi khuẩn ở phế quản, các hốc xoang bị tiêu diệt dần và chết, vi khuẩn xuống dạ dày, sau đó xuống đường ruột và gây các rối loạn tại chỗ. Hơn nữa, khi vào cơ thể, kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Do số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột bị giảm đáng kể, sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột bị mất đi. Sau đó, các loại vi khuẩn có hại có điều kiện thuận lợi để phát triển và lan truyền nhiều hơn mà phổ biến nhất là vi khuẩn Clostridium Dificile - vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy. Loại tiêu chảy này thường được gọi là tiêu chảy do thuốc kháng sinh. Ở trẻ em, những rối loạn này càng rõ nét hơn. Trẻ có thể bị đau quặn bụng, tiêu chảy phân loãng nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, sau hết đợt dùng thuốc (khoảng từ 5 - 7 ngày), các khó chịu về tiêu hóa sẽ giảm dần và hết hẳn. Trong trường hợp bị tiêu chảy nặng, đi ngoài nhiều lần và có dấu hiệu mất nước hoặc nôn nhiều lần trong ngày, bệnh nhân phải báo cáo tình trạng cho bác sĩ hay dược sĩ để có chỉ định ngừng thuốc.

Erythromycin dạng viên nén, viên bao phim nên uống lúc đói, nhưng nếu bị kích ứng tiêu hóa thì nên uống giữa bữa ăn. Để hạn chế tác dụng phụ trên tiêu hóa, nên dùng erythromycin ngay sau bữa ăn. Sau một liệu trình uống erythromycin, có thể dùng bổ sung men vi sinh (probiotic) như: antibio, probio, bioacimin, lactomin... Đây là các chế phẩm chứa các vi sinh vật (vi khuẩn) có ích, khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ vi khuẩn ruột, tăng cường chức năng tiêu hóa.

Trong đơn thuốc, một số bác sĩ cũng kê chế phẩm vi sinh cùng với kháng sinh cho người bệnh mà không dặn dò kỹ người bệnh về thời điểm dùng 2 loại thuốc này khiến nhiều người uống chế phẩm vi sinh cùng với kháng sinh. Cách dùng này không đúng vì trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn thì chế phẩm vi sinh lại “làm việc ngược lại” là cung cấp thêm lợi khuẩn cho cơ thể, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh. Vì vậy, kháng sinh và chế phẩm vi sinh sẽ “công” nhau và làm giảm tác dụng của nhau. Do vậy, việc bổ sung chế phẩm vi sinh cần được tiến hành ngay sau đợt uống kháng sinh, chứ không phải trong khi dùng kháng sinh.

Những lưu ý đặc biệt khi dùng erythromycin

Dùng liều cao erythromycin với các thuốc có độc tính với tai có thể làm tăng tiềm năng độc tính với tai. Phối hợp erythromycin với các thuốc có độc tính với gan có thể làm tăng tiềm năng độc với gan. Cần thận trọng khi kê đơn erythromycin cho người có bệnh gan hoặc suy gan, người có loạn nhịp và có các bệnh khác về tim. Không được dùng erythromycin trong thai kỳ. Erythromycin chống chỉ định với người bệnh quá mẫn với erythromycin, người có tiền sử dùng erythromycin có rối loạn về gan, người bệnh có tiền sử bị điếc. Không dùng phối hợp erythromycin với terfenadin, đặc biệt trong trường hợp người bệnh có bệnh tim, loạn nhịp, nhịp tim chậm, khoảng Q - T kéo dài, tim thiếu máu cục bộ hoặc người bệnh có rối loạn điện giải...

DS. Đức Trung


Ý kiến của bạn