Vậy khi chuột rút có nguyên nhân do dùng thuốc cần xử trí thế nào?
Chuột rút hay vọp bẻ là hiện tượng co thắt cơ đột ngột, ngoài ý muốn, gây đau dữ dội ở một số bắp thịt, làm cho cử động trở nên khó khăn. Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường gặp ở bắp thịt của cẳng chân, bắp thịt đùi, liên sườn, hông, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Tuy vậy, chuột rút bắp chân và bàn chân là phổ biến nhất. Chuột rút thường kéo dài trong khoảng vài giây đến vài phút.
Một số nhóm thuốc thường gặp gây chuột rút
Khi sử dụng lâu dài một số nhóm thuốc sau có thể dẫn đến hiện tượng chuột rút:
Nhóm thuốc hạ mỡ máu statin: Tác dụng của nhóm thuốc này là làm giảm cholesterol máu (chủ yếu đối với loại cholesterol xấu - loại cholesterol gây xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim). Tuy vậy, nếu dùng các thuốc trong nhóm này như lypanthin, simvastatin, lovastatin... sẽ gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có chuột rút làm cho người bệnh rất khó chịu và lo lắng.
Chuột rút có thể do thuốc gây ra.
Nhóm thuốc lợi tiểu: Nhóm thuốc này thường dùng cho những bệnh nhân bị phù do nhiều nguyên nhân khác nhau (bệnh thận, bệnh suy tim...) hoặc dùng trong điều trị bệnh tăng huyết áp (ở người bệnh tăng huyết áp, lượng muối và nước dư thừa trong cơ thể khiến thành động mạch chịu thêm nhiều áp lực. Dùng thuốc lợi tiểu sẽ tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng giúp thành động mạch co giãn nhiều hơn, máu lưu thông một cách dễ dàng hơn. Nhờ hai yếu tố trên, áp lực lên động mạch sẽ giảm xuống đáng kể, đưa mức huyết áp về ngưỡng an toàn). Tuy vậy, nếu dùng với thời gian dài người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ (đi tiểu thường xuyên hơn, rối loạn nhịp tim, biến đổi bất thường về điện giải trong cơ thể, mệt mỏi, choáng váng, cơ thể bị mất nước do tiểu nhiều làm cho người bệnh thường xuyên cảm thấy khát và hay gặp triệu chứng chuột rút, cơ bắp nhức mỏi rất khó chịu cho người bệnh). Một số thuốc thường dùng như indapamid, hydrochlorothiazide, furosemid...
Nhóm thuốc chẹn bêta: Các thuốc như atenolol, metoprolol, acebutolol... được dùng trong điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Tác dụng phụ của nhóm này khi sử dụng trong một thời gian dài bao gồm hiện tượng mất ngủ, nhịp tim chậm, các triệu chứng hen (ho, thở khò khè, khó thở, đau ngực, nặng ngực) và gây triệu chứng chuột rút. Do nhóm thuốc làm giảm nhịp tim, giãn mạch máu làm cho lưu lượng máu đến chi dưới kém gây nên chuột rút.
Nhóm thuốc chủ vận bêta 2: Có tác dụng chính là làm giãn cơ trơn và được dùng trong điều trị hen suyễn nhưng khi dùng lâu dài có thể gây nên một số tác dụng phụ như run tay, hồi hộp, đánh trống ngực và chuột rút. Một số thuốc thường dùng như abuterol, terbutalin, salbutamol...
Nhóm thuốc chống loạn thần: Các thuốc như haloperidol, risperidon... có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động của dopamin dùng điều trị bệnh tâm thần nhưng nếu cơ thể bị thiếu dopamin trong một thời gian dài sẽ gây ra một số tác dụng phụ trong đó có triệu chứng chuột rút.
Cách nào hạn chế?
Để phòng ngừa chuột rút do dùng thuốc người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, đặc biệt không nên lạm dụng thuốc có nguy cơ gây chuột rút. Trong liệu trình điều trị bệnh, nếu có một trong các loại thuốc có nguy cơ gây chuột rút (bác sĩ điều trị sẽ tư vấn), người bệnh nên vận động cơ thể, xoa bóp nhẹ nhàng các cơ bắp (đùi, bắp cẳng chân, bàn tay, bàn chân, ngực, bụng...) một cách đều đặn, thường xuyên, nhất là trước khi đi ngủ buổi tối và sáng sớm lúc vừa ngủ dậy. Đồng thời hàng ngày cần uống đủ lượng nước cần thiết. Nếu hiện tượng chuột rút xảy ra nặng nề và thường xuyên người bệnh cần thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí phù hợp. Tùy vào tình trạng chuột rút, bác sĩ có thể chỉ định tiếp tục dùng thuốc kết hợp với các phương pháp hạn chế chuột rút hoặc chuyển sang loại thuốc khác phù hợp hơn.