Đỗ Thanh Hậu(Hưng Yên)
Thuốc tránh thai cũng như các loại thuốc điều trị bệnh khác, bên cạnh tác dụng giúp tránh thai, thuốc có thể gây ra những bất lợi không mong muốn cho người sử dụng mà buồn nôn của bạn là một trong những bất lợi này. Tuy nhiên, buồn nôn nhẹ có thể xảy ra khi bắt đầu dùng thuốc và thường tự hết sau một thời gian ngắn. Để khắc phục bạn có thể uống thuốc cùng với thức ăn hoặc khi đi ngủ. Nếu buồn nôn nặng, kéo dài... bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra nguyên nhân cụ thể gây nôn, có thể phải ngừng thuốc hoặc thay đổi thuốc khi cần thiết.
Ngoài buồn nôn, thuốc tránh thai có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác nữa như:
Ra máu âm đạo: Hay gặp nhất trong vòng 3 tháng đầu sau khi dùng thuốc. Phần lớn tình trạng này sẽ tự hết khi uống đến vỉ thuốc thứ 3. Nếu thuốc vẫn được uống đúng và không bị quên thì tình trạng ra máu không ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai của thuốc. Nên đi khám bác sĩ nếu bị ra máu từ 5 ngày trở lên trong khi đang dùng thuốc hoặc bị ra máu nhiều trong 3 ngày trở lên.
Thay đổi tâm trạng: Một số người có thể bị thay đổi cảm xúc, hoặc trầm cảm khi uống thuốc tránh thai. Do đó, cần liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy tâm trạng bị thay đổi trong khi dùng thuốc.
Cương ngực: Thuốc tránh thai uống có thể khiến ngực to lên hoặc cương cứng hơn. Tình trạng này thường sẽ cải thiện sau khi dùng thuốc được một vài tuần.Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện u cục hoặc đau kéo dài không hết thì cần đi khám bác sĩ.
Thay đổi thị lực khi dùng kính áp tròng: Nên đi khám bác sĩ nhãn khoa nếu bạn sử dụng kính áp tròng và nhận thấy có những thay đổi về thị lực hoặc về việc dung nạp kính trong khi uống thuốc tránh thai.
Ngoài các biểu hiện trên, thuốc tránh thai có thể gây đau đầu, tăng cân, giảm ham muốn, thay đổi về khí hư (tăng hoặc giảm), nám da... Cần lưu ý, nếu các tình trạng trên xảy ra nhẹ, thoáng qua rồi hết thì cứ tiếp tục dùng thuốc. Nếu các tình trạng trên trở nên nặng nề và không hết, cần đi khám.
DS. Trần Thị An