Glucocorticoid (GC) được sử dụng cho mục đích kháng viêm và các bệnh liên quan đến cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên, để đạt được tác dụng kháng viêm và ức chế miễn dịch thì phải dùng liều cao hơn liều sinh lý rất nhiều. Với liều càng cao thì độc tính của thuốc càng tăng, thậm chí còn gây ra bệnh mới trầm trọng hơn các bệnh mà GC hướng tới trị liệu. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần sử dụng GC một cách hợp lý.
Lợi và hại khi dùng glucocorticoids
Những lợi ích từ GC: Glucocorticoid có vai trò quan trọng duy trì chuyển hóa năng lượng và duy trì huyết áp, giúp cân bằng nội môi, tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và duy trì các chức năng khác của cơ thể. Ở nồng độ sinh lý, GC có rất nhiều tác dụng. Nó làm tăng đường huyết khi cơ thể bị đói nhằm đảm bảo cung cấp glucose cho não và tim nhờ GC làm giảm sử dụng glucose, làm tăng thoái hóa protein ở cơ và lipid ở mô mỡ lúc đói. Qua đó cung cấp acid amin và glycerol cho sự tân tạo glucose ở gan, kích thích gan thành lập glucose từ acid amin và glycerol, đồng thời tích trữ glucose dạng glycozen.
GC gây đục nhân mắt, tăng nhãn áp do vậy cần được khám mắt định kỳ trong thời gian sử dụng thuốc. Ảnh: TM
GC chống lại các biểu hiện của quá trình viêm, dị ứng dù do bất kỳ nguyên nhân gì (cơ học, hóa học, nhiễm khuẩn, tia xạ, miễn dịch), có được tác dụng đó là do GC làm giảm tác dụng hoặc ức chế các chất trung gian gây viêm.
Những bất lợi khi dùng liều cao: Khi dùng GC lâu dài có thể gây đái tháo đường và nặng thêm bệnh đái tháo đường; với chuyển hóa protid nó gây ức chế tổng hợp protid, thúc đẩy quá trình dị hóa protid để chuyển acid amin từ cơ xương vào gan nhằm tân tạo glucose, do đó khi dùng kéo dài sẽ gây teo cơ, xốp xương; với chuyển hóa lipid làm tăng tổng hợp mỡ ở thân, giảm tổng hợp mỡ ở chi; với chuyển hóa muối nước gây tăng thải kali, canxi qua nước tiểu, giảm hấp thu canxi ở ruột, làm giảm nồng độ canxi máu, cơ thể đáp ứng bằng cách làm tiêu xương để rút canxi ra, hậu quả làm xương thưa xốp, dễ gãy, còi xương, chậm lớn; hội chứng Cushing, hội chứng Addison.
Ngoài ra, GC làm giảm số lượng bạch cầu lympho, ức chế chức năng thực bào, ức chế sản xuất kháng thể và các thành phần bổ thể, ức chế giải phóng và tác dụng của các enzym tiểu thể, ức chế hóa hướng động và sự di chuyển của bạch cầu do đó nó có tác dụng ức chế miễn dịch. Nhưng điều đó làm mất đi đáp ứng viêm có tính chất bảo vệ, làm giảm khả năng đề kháng nên dễ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Khắc phục tác dụng phụ thế nào?
Sử dụng GC liều cao trong thời gian dài sẽ ức chế chiều cao của trẻ em do GC ức chế tác dụng làm phát triển xương và sụn. Để giảm hậu quả của tác dụng này nên hạn chế việc kê đơn GC cho trẻ em. Nếu phải dùng thì dùng liều thấp có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Khi phải dùng kéo dài thì dùng kiểu điều trị liều cao cách ngày thay cho cách dùng hằng ngày để giảm ức chế tuyến thượng thận, tuyến sinh dục và tuyến giáp. Khuyến khích trẻ em chơi thể dục, thể thao, ăn nhiều chất đạm và canxi.
Ở liều sinh lý, GC có tác dụng tích cực trên chuyển hóa canxi và xương, nhưng ở liều điều trị và dùng kéo dài sẽ gây mất xương. Sự mất xương nhanh nhất là ở 6-12 tháng đầu sử dụng GC và thường dẫn đến gãy xương đối với bệnh nhân có tỉ trọng xương thấp vào thời điểm khởi đầu dùng GC. Người già và phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao. Sự hoại tử xương không do nhiễm khuẩn và teo cơ là tác dụng phụ nguy hiểm nhất do GC. Thường xảy ra ở đầu xương cánh tay hay đầu xương đùi, gây đau dữ dội và giảm cử động. Để giảm thiểu tai biến gãy xương do GC nên giảm liều đến mức thấp nhất nếu có thể và giảm thời gian sử dụng thuốc. Sử dụng thuốc cách ngày dường như không làm giảm sự mất xương. Thay đổi nếp sống, bỏ thuốc lá, tránh uống nhiều rượu, không khiêng vác nặng, tập thể dục đều đặn (30-60phút/ngày). Bổ sung canxi trong thời gian dùng thuốc .
Thời gian điều trị bằng GC kéo dài khiến vỏ thượng thận bị ức chế. Do vậy, để hạn chế tình trạng này nên chia nhỏ liều sử dụng ra làm nhiều lần trong ngày và không dùng thuốc trước khi đi ngủ. Dùng thuốc cách ngày cũng có lợi hơn là dùng thuốc liên tục. Khi muốn ngừng thuốc, cần phải giảm liều từ từ 2-3 tháng và bệnh nhân cần được theo dõi hàng năm sau khi quá trình điều trị bằng GC đã kết thúc. Trong suốt thời gian đó, tuyến thượng thận chưa tiết đủ hormon để chống đỡ với stress mạnh như chấn thương, phẫu thuật nên cần bổ sung GC trong các trường hợp đó để tránh suy vỏ thượng thận nặng.
Nếu mắc phải hội chứng Cushing, phải ngừng thuốc theo qui tắc giảm liều từ từ. GC gây đục nhân mắt, gây tăng nhãn áp, do vậy cần được khám mắt định kỳ trong thời gian sử dụng; nên chọn ống bơm thuốc có kèm thiết bị phụ để thuốc không lắng đọng ở miệng nhằm tránh nhiễm nấm Candida khi dùng thuốc dạng xịt, sau khi dùng thuốc xịt nên súc miệng thật sạch. Không dùng thuốc bôi ngoài da trên diện rộng để tránh hiện tượng teo da.