Hà Nội

Hạn chế sinh tại nhà: Giảm rủi ro cho mẹ và con

28-05-2016 10:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Pác Nặm là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thống kê những năm gần đây, tỷ lệ đẻ tại nhà ở các xã thuộc huyện Pác Nặm...

Pác Nặm là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thống kê những năm gần đây, tỷ lệ đẻ tại nhà ở các xã thuộc huyện Pác Nặm luôn chiếm cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh, tỷ lệ đẻ tại nhà có cán bộ y tế (CBYT) đỡ rất thấp, cá biệt thống kê năm 2011: 92,4% số đẻ tại nhà chỉ do người nhà hoặc các “mụ vườn” tự đỡ. Hành vi này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ và trẻ sơ sinh do tai biến sản khoa không được xử lý kịp thời. Chính vì thế, việc xác định rõ nguyên nhân và tìm giải pháp cho vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế Bắc Kạn.

Giật mình những con số

Thống kê cụ thể tỷ lệ đẻ tại nhà/tổng số ca đẻ và số ca đẻ không có CBYT can thiệp tại huyện Pác Nặm lần lượt 5 năm gần đây cho thấy, năm 2011 là 329 trong tổng số 586 ca, trong đó, 304 ca không có CBYT đỡ đẻ tại nhà. Đến năm 2014, tỷ lệ đỡ đẻ tại nhà do CBYT đỡ đã giảm hơn, tuy nhiên vẫn ở mức cao 313/634 ca trong đó có 125 không có CBYT đỡ. Năm 2015 có 344 ca và không CBYT đỡ là 223 ca.  Chỉ tính riêng gần 5 tháng đầu năm 2016 này, trong số 283 ca đẻ tại 10 xã của huyện Pác Nặm thì 104 ca là đẻ tại nhà trong đó có 64 trường hợp không có CBYT đỡ.

Pác Nặm là huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thống kê những năm gần đây, tỷ lệ đẻ tại nhà ở các xã thuộc huyện Pác Nặm

Từ trung tâm xã vượt qua hơn 10km đi xe máy và hơn 2km đi bộ ngược dốc lên thôn Lủng Vài, xã Cổ Linh mới đến nhà chị Giàng Thị Khia, mang bầu đứa con thứ ba gần tới tháng đẻ mà vẫn địu con nhỏ sau lưng, dắt trâu đi chăn, chị kể: “Hai đứa con đều đẻ tại nhà, xa trạm y tế nên không đi khám thai được, lần này cũng không đẻ tại trạm, xa lắm, cán bộ vận động nhiều rồi nhưng chắc lại nhờ người đỡ ở nhà thôi!”.

Tìm đến nhà bà Dương Thị Vành dân tộc Mông, một người đã nhiều lần đỡ đẻ tại nhà cho phụ nữ trong thôn, bà không biết nói tiếng Kinh, khi được hỏi về những trường hợp bà đỡ đẻ, qua phiên dịch được biết, bà có 6 đứa con, con dâu bà cũng đẻ 3 đứa con ở nhà và đều do bà đỡ. Mặc dù bà chưa được CBYT hướng dẫn cách đỡ đẻ, nhưng khi đứa trẻ đẻ ra tôi cũng lấy kéo cắt dây rốn và lau qua đứa trẻ là xong... đường xa, nhà nghèo không đến trạm đẻ được, mọi người nhờ là bà đến đỡ!

Từ những yếu tố trên dẫn đến tình trạng phụ nữ có thai nơi đây khi đến ngày sinh nở thì người nhà lại tự đỡ đẻ cho nhau, lâu dần thành “tập quán” khó thay đổi, trong khi rất nhiều nguy hiểm luôn cận kề vì tai biến sản khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Và những hệ lụy

Thống kê lưu tại Trung tâm y tế Pác Nặm những năm gần đây cho thấy, năm nào cũng xảy ra các ca tai biến sản khoa do đẻ tại nhà không có CBYT. Tại xã Nghiên Loan: sản phụ Lý Thị X. (19 tuổi) tử vong do ngôi ngược đẻ tại nhà, rau không bong, chảy máu nhiều. Tại xã Giáo Hiệu, sản phụ M.T. M. (32 tuổi) cũng tử vong sau đẻ tại nhà do suy tim... còn nhiều ca tai biến sản khoa khác may mắn không nguy hiểm đến tính mạng song lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.

Trao đổi với các cán bộ trực tiếp thực hiện trong Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) về tình trạng này, BS. Đoàn Thị Hồng - Đội trưởng Đội CSSKSS TTYT huyện Pác Nặm cho biết, Pác Nặm là huyện có số lượng lớn người dân tộc Mông, Dao, họ sinh sống chủ yếu trên các sườn núi, đường đi lại rất khó khăn, do đó khoảng cách từ nhà đến trạm y tế là một trở ngại cho người dân và phụ nữ có thai khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Ngoài yếu tố phong tục tập quán của người dân tộc Mông, Dao, thì con số 87/119 nhân viên y tế thôn bản (NVYTTB) là nam giới (chiếm 73%) cũng là một trong những trở ngại lớn trong tuyên truyền vận động. Bởi, các NVYTTB này phần lớn có tuổi đời cao, ngang tuổi cha chú các thai phụ, nên các cặp vợ chồng thường e ngại không muốn NVYTTB là nam giới thăm khám. Việc đào tạo “cô đỡ thôn bản” đã được triển khai, tuy nhiên hiện toàn huyện Pác Nặm chỉ còn 10 người đã được đào tạo đang hoạt động, trong đó có 7 cô đỡ kiêm NVYTTB và chỉ có 3 cô đỡ thuộc thôn vùng cao. Tại những thôn, bản vùng cao cần thiết phải có “cô đỡ thôn bản” thì việc tìm người đi đào tạo cũng không phải đơn giản, nhiều thôn không thể có nhân lực đủ tiêu chuẩn để cử đi học. Các cán bộ y tế từ huyện đến thôn, bản cũng thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông, tuy nhiên việc cán bộ y tế chủ yếu là dân tộc Tày, rất ít người biết nói tiếng Dao, Mông nên vấn đề bất đồng ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, vận động...

Cần có các giải pháp phù hợp

Trước thực trạng đó, ngành y tế Bắc Kạn cũng đã có nhiều cuộc giám sát, họp bàn, hội thảo, tập huấn và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này, nhưng những yếu tố khách quan thì không dễ gì giải quyết ngay trong thời điểm hiện tại như: vấn đề kinh tế hộ gia đình khó khăn; khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế; Hay việc yêu cầu nhân viên y tế thôn bản phải là nữ giới để tiếp cận với phụ nữ người Mông, người Dao được thuận lợi... là một trong những thách thức rất lớn của hoạt động CSSKSS cho phụ nữ nơi đây. Theo đó, để hạn chế tình trạng sinh đẻ tại nhà, trạm y tế cần lên lịch, kế hoạch cụ thể hằng tháng, thông báo và mời phụ nữ có thai đến từng địa điểm cố định để khám, tư vấn, tiêm phòng uốn ván... theo cụm dân cư hoặc cử CBYT đến từng nhà khám thai, tiện cho việc đi lại của thai phụ. Chỉ đạo cộng tác viên dân số, NVYTTB phát hiện sớm những trường hợp có thai, tuyên truyền, tư vấn, vận động hoặc mời để họ đến các điểm khám thai và đi đến cơ sở y tế đẻ. Chuẩn bị các dụng cụ, gói đẻ sạch, thuốc men...cần thiết cho cán bộ trạm y tế, cô đỡ và NVYTTB phục vụ kịp thời các cuộc đẻ tại nhà không thể đến cơ sở y tế để đẻ. Đưa tiêu chí “giảm tỷ lệ đẻ tại nhà, tăng tỷ lệ khám thai đủ 3 lần” vào công tác thi đua trong hoạt động của 10/10 trạm y tế trên địa bàn huyện Pác Nặm... Song song với các biện pháp này cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban CSSKND các cấp cần quan tâm, ưu tiên đến vấn đề sức khỏe nổi cộm này, nhằm làm tăng tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thai nghén theo đúng quy định, giảm tỷ lệ đẻ tại nhà và giảm thiểu tai biến sản khoa đến mức thấp nhất.


Bài và ảnh: BSCKII. Tạc Văn Nam
Ý kiến của bạn