Hạn chế rối loạn tuổi dậy thì

07-02-2020 07:49 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Trong lứa tuổi dậy thì, bé gái thường vô kinh nhiều tháng, sau đó có kinh lại thì kinh kéo dài. Trường hợp bị rong kinh...

Con gái tôi 15 tuổi, cháu mới thấy kinh được 5 tháng, nhưng khi có kinh thì ngày ra kinh của cháu rất dài. Tôi đã cho cháu đi khám, uống thuốc theo đơn của bác sĩ, bệnh có đỡ hơn, nhưng kinh nguyệt vẫn kéo dài hơn 1 tuần, có phải cháu bị rong kinh và cần làm gì để hạn chế, thưa bác sĩ?

Vũ Thúy Hường (Nghệ An)

Trong lứa tuổi dậy thì, bé gái thường vô kinh nhiều tháng, sau đó có kinh lại thì kinh kéo dài.

Trường hợp bị rong kinh, mỗi ngày người bệnh thấy có xuất huyết âm đạo không nhiều, có khi không ướt hết một băng vệ sinh nhỏ mà chỉ là một chút máu đen. Nhưng nếu ra huyết kéo dài nhiều tháng thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, đôi khi phải truyền máu.

Thiếu máu sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ gái, ảnh hưởng đến sự học hành đồng thời sẽ có triệu chứng suy nhược cơ thể đi kèm theo. Vì thế, nên thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Khi vòng kinh dài, ngắn bất thường hay lượng máu mất đi trong những ngày có kinh quá nhiều, hãy đi khám bác sĩ ngay. Nếu để quá lâu sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng như khả năng sinh sản.

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cháu nên bổ sung vào thành phần bữa ăn hàng ngày các nhóm thực phẩm giàu vitamin nhóm B như: cá, thịt bò, trứng, sữa, pho mát... Nên ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là những loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà chua, cà rốt... Hạn chế dùng các loại đồ ăn nhiều chất béo và các loại nước uống có chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá...

BS. Phương Thu


Ý kiến của bạn