Dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân có đưa ra điều kiện về phá thai, trong đó có điều kiện cấm phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên, trừ một số trường hợp đặc biệt. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước đề xuất trên, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau: có ý kiến cho rằng quy định này sẽ có tác dụng tích cực trong việc phòng tránh lựa chọn giới tính thai nhi, giúp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; Ngược lại, có ý kiến cho rằng sẽ khó kiểm soát vấn đề trên...
Tư vấn mang thai an toàn tại TT DSKHHGĐ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: N.Hồng
Theo nghiên cứu của Tổng cục DS-KHHGĐ, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi năm 2006 là 66,8% đã tăng lên 81,3% vào năm 2012. Khi biết được giới tính thai nhi, một số người đã có hành vi loại bỏ thai nhi gái (từ 12 tuần tuổi trở lên). Báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam tại 5 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao (Hưng Yên, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Ninh, Cần Thơ), tỷ lệ phá thai to trên 12 tuần là 2-7% trong tổng số ca phá thai. Ngoài ra, từ năm 2009-2011, Đoàn kiểm tra Bộ Y tế đã thanh kiểm tra 39 cơ sở y tế công lập và tư nhân. Kết quả có gần 30.000 ca phá thai, thai dưới 12 tuần tuổi chiếm 95,2%, thai trên 12 tuần tuổi chiếm 2,7% (hơn 800 ca), không rõ tuổi thai là 21%. Đáng lưu ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần ở khối tư nhân là 3,5%, cao hơn khối công lập (2,65%). Khối tư nhân cũng có tới 6,5% ca phá thai không ghi rõ tuổi thai, không lưu số liệu (công lập là 1,2%). Theo ông Nguyễn Đình Bách - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DS-KHHGĐ - Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang khá cao. Tỷ lệ người dân biết được giới tính thông qua siêu âm từ 12 tuần tuổi trở lên là phổ biến. Do vậy, theo ông Bách, dự thảo Luật Dân số hạn chế phá thai trên 12 tuần tuổi đối với các cặp vợ chồng là để kiềm chế tình trạng phá thai vì giới tính thai nhi. Cũng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, theo phương án 2, sẽ quy định có điều kiện trong việc phá thai khi thai trên 12 tuần tuổi. Mục đích là hạn chế việc phá thai do lựa chọn giới tính khi sinh là chủ yếu. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng quy định này ít tính khả thi và việc thực thi là khó khăn. Trên thực tế, việc phá thai hiện nay đang theo quy định của Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 1989 (tất cả phụ nữ được phá thai theo nguyện vọng). Tuy nhiên, việc quản lý phá thai còn lỏng lẻo, không có hồ sơ, tên, tuổi nên số liệu khó thu thập được. Song nếu chỉ vì khó khăn mà chúng ta không xem xét, không đưa ra quy định, trên cơ sở đó chấn chỉnh hệ thống quản lý nhà nước thì chúng ta mãi không làm được. Cũng theo ông Tân, trong Đề án dự kiến trình Chính phủ, chúng tôi đề xuất có hệ thống giám sát bằng công nghệ đặt ở các cơ sở được cấp phép cung cấp các dịch vụ phá thai. Một điểm nữa là theo Luật Thanh tra 2010, công tác thanh tra được cải thiện rất nhiều khi thông qua việc kết hợp với thanh tra chuyên ngành; với khả năng hoạt động độc lập của thanh tra viên khác so với trước. Trước đây, nếu đến thanh tra cơ sở nào đều phải có kế hoạch từ trước cho cơ sở được thanh tra. Nay với luật mới, chúng ta có quyền thanh tra đột xuất, không cần báo trước. Liên quan đến vấn đề này, GS. Nguyễn Đình Cử - chuyên gia dân số (nguyên Viện trưởng Viện Dân số) cho biết, theo Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân năm 1989 thì “Phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng”, không cần bất cứ giấy tờ, thủ tục nào. Điều này cũng khiến cho các cơ sở y tế (đặc biệt cơ sở tư nhân) quá dễ dãi trong phá thai, có thể dẫn đến cẩu thả trong việc đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ phá thai. Do đó, xu hướng “siết chặt điều kiện nạo phá thai” cũng là điều dễ hiểu. Đồng thời chấn chỉnh các điều kiện hành nghề của các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở tư nhân.
Nguyễn Tuệ