Hạn chế hậu quả do giãn phế quản

01-09-2014 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều người cao tuổi (NCT) thường ho ra nhiều đờm loãng, đôi khi có lẫn máu, nhất là về buổi sáng những ngày lạnh trời, đi khám bệnh được biết mình bị giãn phế quản (GPQ).

Nhiều người cao tuổi (NCT) thường ho ra nhiều đờm loãng, đôi khi có lẫn máu, nhất là về buổi sáng những ngày lạnh trời, đi khám bệnh được biết mình bị giãn phế quản (GPQ). Vậy GPQ là gì, bệnh có nghiêm trọng không? Nguyên nhân gây ra bệnh và cách phòng chống ra sao?

Tại sao GPQ hay gặp ở NCT?

GPQ là tình trạng các phế quản của phổi bị giãn ra rất khó hồi phục, đặc biệt là các phế quản trung bình. Bệnh gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là NCT, thường nặng, tiến triển mạn tính trong nhiều năm. GPQ là một bệnh hay gặp ở những người đã từng mắc các bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác có liên quan.

Người cao tuổi nên tập hít thở sâu để phòng bệnh đường hô hấp.

Người cao tuổi nên tập hít thở sâu để phòng bệnh đường hô hấp.

GPQ có 2 loại: mắc phải và bẩm sinh. GPQ mắc phải chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 90%), gặp ở hầu hết các trường hợp là do đã từng mắc bệnh đường hô hấp (viêm họng, mũi, thanh quản, phế quản, xoang hoặc viêm răng miệng). Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do virut; vi khuẩn (H. influenzae, S. pneumoniae, M. catarrhalis, S. pyogens, Staphylococcus, vi khuẩn lao) hoặc nấm (Candida albicans). Trong đó, đặc biệt là vi khuẩn lao (Mycobacterium). Khi bị viêm phế quản mạn tính hoặc bị lao phổi sẽ làm xơ, sẹo phế quản, tổ chức phổi gây biến dạng phế quản và gây nên chít hẹp lòng phế quản làm ứ đọng, tổn thương các tổ chức khác của phổi làm cho phế quản bị giãn ra, hậu quả sẽ xơ cứng, phế quản khó hoặc ít co lại như bình thường. Đồng thời, các chất ứ đọng càng nhiều thì càng kích thích gây ho làm tăng áp lực trong lòng phế quản làm GPQ. Một số nguyên nhân khác (tuy tỷ lệ gặp không nhiều) như polyp phế quản hoặc các hạch lao gây chèn ép phế quản lâu ngày làm hẹp phế quản, gây cản trở sự lưu thông không khí vào hệ thống đường hô hấp làm GPQ. Những người nghề nghiệp phải tiếp xúc hóa chất độc hại lâu ngày làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, đặc biệt người nghiện thuốc lá, thuốc lào, khói bụi làm niêm mạc các phế quản viêm nhiễm mạn tính cũng có thể gây GPQ.

Loại thứ hai là GPQ bẩm sinh gặp chủ yếu ở tuổi còn trẻ, chỉ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10%) và thường gặp phổi có hiện tượng “phổi đa nang” hoặc các dị tật bẩm sinh khác kèm theo.

Người bệnh có biểu hiện gì?

Ho là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Người bệnh ho dễ dàng, nhiều nhất vào buổi sáng khi ngủ dậy, ho dai dẳng quanh năm, nhất là vào những ngày trời lạnh. Khạc ra rất nhiều đờm, chủ yếu là buổi sáng, tính chất của đờm là bọt ở trên, đờm ở giữa, mủ và các mảnh tế bào ở dưới. Người bệnh thường ho ra máu nhiều hay ít lẫn với đờm, đỏ tươi, mỗi đợt kéo dài nhiều ngày và lặp đi lặp lại nhiều đợt như thế tùy theo thời tiết và tình hình bệnh. Kèm theo ho ra máu là khó thở, lúc đầu người bệnh chỉ bị khó thở khi làm việc gắng sức, sau khó thở thường xuyên. GPQ tiến triển thành từng đợt liên tiếp trong nhiều năm.

Bệnh GPQ có nguy hiểm không?

Bệnh GPQ nếu không được điều trị tích cực và không được phòng bệnh tốt có thể đưa đến một số hậu quả xấu cho người bệnh. Có những trường hợp ổ GPQ chỉ tồn tại một thời gian do được phát hiện và điều trị sớm nên bệnh có thể khỏi. Nhưng nếu không phát hiện sớm và chủ quan không đi khám hoặc điều trị không đúng phác đồ thì ổ GPQ có thể lan rộng ra sau nhiều đợt gây bội nhiễm tái phát. Nếu ổ GPQ bị lan rộng và kéo dài thì có thể gây nên tình trạng áp-xe phổi, mủ màng phổi, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi, xơ phổi, khí phế thũng, gây suy hô hấp trầm trọng. Ngoài ra, GPQ có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của tim và nguy hiểm hơn là gây nên suy tim. Vì vậy, để tránh biến chứng, khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh GPQ

GPQ hoàn toàn có thể phòng được. Cần vệ sinh đường hô hấp trên (họng, hầu, răng, miệng...) hàng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối sinh lý. Không nên để viêm amidan, viêm họng hạt, viêm chân răng, viêm lợi, viêm mũi, xoang. Hầu hết các trường hợp GPQ là thứ phát sau các bệnh nhiễm khuẩn ở phế quản – phổi như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, lao phổi... Vì vậy, muốn đề phòng GPQ, trước hết phải phòng và chữa sớm, chữa triệt để những bệnh trên để tránh hậu quả GPQ. Đối với trẻ sơ sinh và những người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao, cần được tiêm phòng vaccin phòng lao theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cần có chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng. Lao động, sinh hoạt điều độ, giữ cơ thể không bị thời tiết thay đổi tác động đột ngột, nhất là trong những tháng đông – xuân thời tiết giá lạnh. Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là tập thở, nếu có điều kiện, nên sống ở nơi có không khí trong lành, khí hậu ấm và khô. Cũng không nên hút thuốc lá, thuốc lào vì chúng là nguyên nhân thuận lợi dẫn đến GPQ. Đây là các việc làm đơn giản nhưng cần kiên trì, quyết tâm cao.

ThS.BS. Mai Hương

 


Ý kiến của bạn