Hạn chế dần các ca chuyển viện

18-09-2008 00:00 | Thời sự
google news

Từ đầu tháng 9, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu đã đón tiếp các đoàn bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện (BV) Trung ương về giúp đỡ Lai Châu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tính đến nay,

Từ đầu tháng 9, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu đã đón tiếp các đoàn bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện (BV) Trung ương về giúp đỡ Lai Châu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tính đến nay, BVĐK tỉnh Lai Châu đã đón tiếp 15 bác sĩ của các BV Nhi Trung ương, BV Việt Đức; các thầy thuốc của BV Thanh Nhàn, BV Xanh Pôn Hà Nội và BV Đống Đa thuộc Sở Y tế Hà Nội. Còn tại tỉnh Yên Bái được sự hỗ trợ của BV Bạch Mai, đã phát động phong trào “Năm không, bốn có”.

* Lai Châu: Phương châm cầm tay, chỉ việc

Để Đề án 1816 được thực hiện thành công ở Lai Châu, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn tỉnh phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các bệnh viện tuyến trên, tìm những vấn đề y tế Lai Châu đang thiếu và yếu để tuyến trên tập trung hỗ trợ. BVĐK tỉnh phối hợp với Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế đề xuất giúp thực hiện các loại phẫu thuật, thủ thuật, cấp cứu bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Lai Châu để giảm gánh nặng chuyển tuyến cho bệnh nhân. Từ đó, BVĐK tỉnh Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các BV có cán bộ tăng cường và bác sĩ trực tiếp lên Lai Châu xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể theo từng tuần, tháng để tham gia phối hợp trong khám chữa bệnh, phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, hội chẩn những ca bệnh khó. Y tế Lai Châu đã chỉ đạo các thầy thuốc tuyến huyện có dịp về công tác tại thị xã Tam Đường phải tranh thủ học tập và cùng đi buồng với thầy thuốc tuyến trên.

 Người dân Lai Châu được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao từ Đề án 1816.
 
Với phương châm "cầm tay chỉ việc" . Các thầy thuốc của BV Việt Đức giúp Khoa ngoại của BVĐK tỉnh Lai Châu các kỹ thuật gây mê phẫu thuật; hướng dẫn thực hiện các phẫu thuật tiêu hóa khối tá tụy, cắt nội đại tràng, trực tràng; phẫu thuật trĩ theo phương pháp longo; phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiết niệu, ruột thừa, túi mật, dạ dày, chửa ngoài tử cung. Cách quản lý trang thiết bị phòng mổ và công tác chăm sóc người bệnh toàn diện; các phẫu thuật về chấn thương chỉnh hình, mạch máu, thần kinh sọ não, gan mật... theo hướng chuyên sâu. BV Nhi Trung ương tham gia công tác khám chữa bệnh; điều trị cấp cứu hồi sức nhi khoa. Thầy thuốc của BV Thanh Nhàn cùng thầy thuốc của BV Việt Đức hướng dẫn chẩn đoán hình ảnh: xét nghiệm, siêu âm, X quang, citi scanner, nội soi chẩn đoán. Bệnh viện Xanh Pôn và Viện Huyết học truyền máu Trung ương: triển khai nâng cao các kỹ thuật xét nghiệm. BV Phụ sản Trung ương giúp Khoa sản đào tạo kỹ thuật viên siêu âm. BV Đống Đa (Hà Nội) hướng dẫn điều trị trong Khoa truyền nhiễm công tác tư vấn, điều trị chăm sóc bệnh nhân có HIV...

"Kết quả bước đầu của đoàn bác sĩ tăng cường tại đây đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là trong phương pháp siêu âm, chụp cắt lớp, phẫu thuật nội soi cho 6 ca bệnh nặng không phải chuyển tuyến; hội chẩn chính xác hơn những ca bệnh khó, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, hạn chế sự quá tải cho BV tuyến trên; bệnh nhân đến khám ngày càng đông". Đó là lời tâm sự của bác sĩ Đỗ Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế - Giám đốc BVĐK tỉnh Lai Châu khi nói về kết quả ban đầu khi các bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ Lai Châu.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Nghĩa - Bệnh viện Việt Đức cho biết: "Lên công tác tại đây trước tiên chúng tôi xác định mình như là bác sĩ của BVĐK tỉnh Lai Châu, cùng làm việc và phối hợp, thống nhất với các bác sĩ ở đây về phương pháp điều trị. Trong quá trình làm việc, bằng những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ kèm cặp, hướng dẫn các y bác sĩ Lai Châu chuyển giao kỹ thuật công nghệ tại chỗ, đặc biệt là những kỹ thuật mà các bác sĩ ở đây có thể thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh, hạn chế tối đa các ca bệnh vượt tuyến".

Với những nỗ lực của đoàn công tác và các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... của ngành y tế Lai Châu, đây là dịp để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế Lai Châu góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương, đồng thời cũng là cơ hội cho những bệnh nhân nghèo không có điều kiện đi điều trị tại tuyến trên và tất cả các bệnh nhân tỉnh Lai Châu đều được hưởng lợi từ các công nghệ cao trong khám chữa bệnh ngay tại quê hương mình.

* Yên Bái: Phong trào “5 không, 4 có”

Để thực hiện tốt Quyết định số 1816/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, ngành y tế Yên Bái đã triển khai ngay một số nhiệm vụ cấp bách cụ thể hoá việc thực hiện đề án. Cụ thể, y tế Yên Bái đã phát động phong trào: “5 không, 4 có”. Giải thích về phòng trào này, BS Đào Thị Ngọc Lan, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: 5 không là: Không ỷ lại; Không giấu dốt; Không thử tài đồng nghiệp; Không đùn đẩy; Không chê bai đồng nghiệp. 4 có là: Có đề xuất nhu cầu; Có bám sát công việc; Có báo cáo thường xuyên; Có duy trì kết quả để tiến lên.

BS. Đào Thị Ngọc Lan cho biết thêm, Quyết định số 1816/QĐ - BYT về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là cơ hội rất tốt để y tế các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn có cơ hội để phát triển. Hơn thế nữa, bà con các dân tộc vùng cao Yên Bái được tiếp xúc với các kỹ thuật cao ngay tại quê hương mình mà không phải đi xa tốn kém. Chính vì vậy, song song với việc thực hiện phong trào “5 không, 4 có”, y tế Yên Bái rất chú trọng với việc động viên các thầy thuốc học hỏi rèn luyện nâng cao tay nghề. Khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn kết tận tụy với công việc, sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ toàn diện của các thầy thuốc tuyến trên.

Bài và ảnh: Mai Hoa - T.H


Ý kiến của bạn