Có biến chứng mới đi viện
BS. Nguyễn Trần Kiên - phụ trách Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh, hoặc là biết nhưng chủ quan không chăm sóc, giữ gìn để đến khi có biến chứng mới vào viện. Nguyên nhân là do nhận thức, do kiến thức của bệnh nhân về bệnh tật chưa có hoặc là họ hiểu biết quá kém; do điều kiện kinh tế vì họ quá nghèo để đi bệnh viện hoặc một số người do gia đình không đưa đi bệnh viện... Kiến thức về ăn uống, luyện tập chưa có. Vì thế đôi khi họ lại thực hiện chế độ ăn ngược lại. Ví dụ như ăn đúng, ăn đủ thì họ lại đi kiêng quá mức lại gây phản tác dụng.
Đối với Khoa bàn chân, những trường hợp nặng phải cắt cụt, nhưng cũng có những trường hợp có chỉ định cắt cụt nhưng không biết cắt đến đâu, bởi bệnh nhân bị tắc mạch lan tỏa nhiều nơi, xơ vữa mạch từ trên bụng xơ vữa xuống. Cuối cùng phải cho bệnh nhân về. Trong khi đó, trên một người bệnh bị ĐTĐ có biến chứng bàn chân có thể đã bao gồm rất nhiều biến chứng khác (biến chứng thận, biến chứng mắt, biến chứng tim) mà biến chứng bàn chân chỉ là một biến chứng nổi lên, người ta dễ dàng nhận thấy nhất để quyết định đi viện. Biến chứng bàn chân thường hay gặp ở người già, vùng sâu, vùng xa, nam nhiều hơn nữ.
Cũng theo bác sĩ Kiên, đối với bệnh lý bàn chân có 3 yếu tố nền: yếu tố mạch máu, yếu tố bệnh lý thần kinh và yếu tố nhiễm trùng. Đối với những người có yếu tố mạch máu tốt thì tiên lượng tương đối tốt vì có mạch máu mới dẫn thuốc tới được vị trí tổn thương giúp cho vết thương nhanh liền. Đối với những trường hợp bị tắc mạch hoàn toàn đến nỗi cắt vào thịt cũng không có máu nữa thì chẳng làm gì khác được.
Một trong những chức năng của bàn chân đó là giảm tải cho cơ thể, nó được ví như bộ giảm xóc. Thế nhưng bàn chân đã bị hoại tử, cấu trúc bị thay đổi thì khả năng tái loét sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, điều quan trọng đối với bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường là dự phòng loét chân. Khi có loét phải tới bệnh viện sớm để tránh hậu quả nặng nề hơn.
Giải pháp nào?
Theo Hiệp hội ĐTĐ Quốc tế (IDF) thì ở các nước phát triển vẫn còn khoảng 30% người bị ĐTĐ chưa được chẩn đoán. Còn ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta thì có tới 80-90% số người bị ĐTĐ chưa được phát hiện. Rất nhiều người bị ĐTĐ chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Nói về nguyên nhân trên, theo TS. Lê Phong - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), Thư ký Dự án phòng, chống ĐTĐ Quốc gia, là do công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe về bệnh ĐTĐ ở nước ta chưa tốt, chưa sâu, chưa mạnh để làm thay đổi nhận thức của người dân. Đặc biệt là ý thức của người dân Việt Nam về dự phòng bệnh tật còn kém.
Trong điều trị ĐTĐ có 4 phương thức: chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập, dùng thuốc và tự theo dõi đường máu (đặc biệt là đường máu 2 giờ sau ăn) thì các bác sĩ mới chỉ chú tâm đến thuốc, một chút dinh dưỡng, luyện tập còn bỏ trống chế độ tự theo dõi đường máu. Hơn nữa, năng lực cán bộ chuyên ngành nội tiết, dinh dưỡng ở tuyến cơ sở chưa đạt được chỉ tiêu đặt ra và chưa có sự phối hợp giữa các bác sĩ nội tiết với dinh dưỡng và y tá điều dưỡng nội tiết.
Được biết Dự án Phòng, chống bệnh ĐTĐ Quốc gia đã và đang được triển khai ở nước ta với mục tiêu: tập trung sàng lọc, phát hiện sớm những người bị tiền ĐTĐ để quản lý, hướng dẫn dinh dưỡng, luyện tập hợp lý để họ không tiến triển thành ĐTĐ; đồng thời phát hiện người bị ĐTĐ để đưa vào điều trị, nhằm giảm biến chứng của bệnh. Do kinh phí còn hạn chế nên việc sàng lọc ĐTĐ hiện mới chỉ tiến hành được ở những cộng đồng có yếu tố nguy cơ cao. Và một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở.
Đối với người bệnh trước hết phải xác định đây là một bệnh mạn tính, điều trị lâu dài nên phải tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ và phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị. Cần uống, tiêm thuốc đầy đủ, đúng giờ, tuân thủ theo chế độ ăn bệnh lý; không hút thuốc, uống rượu vì uống rượu có nguy cơ xảy ra cơn hạ đường huyết, còn hút thuốc sẽ làm cho vết thương chậm liền. Tránh những trường hợp tự ý đi dùng thuốc nam của các cơ sở chưa được cấp phép chưa được kiểm chứng vì trong thuốc nam có alcaloid (chưa khử được) làm tắc mạch, gây tổn thương mạch máu... gây ra nhiều biến chứng như nhồi máu não, biến chứng về tim mạch, gây tàn tật và tử vong... tăng chi phí cho gia đình, xã hội.
Bệnh nhân cần phải biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân như kiểm soát bàn chân, theo dõi đường máu, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ. 6 tháng nên đi kiểm tra sức khỏe một lần.
TS. Phong nhấn mạnh, đối với những người tiền ĐTĐ, người bị tăng huyết áp, thừa cân béo phì... có thể phòng tránh được bệnh ĐTĐ bằng cách thay đổi lối sống, luyện tập. Còn với bệnh nhân ĐTĐ nếu ăn bình thường dùng thuốc kiểm soát được đường huyết thì không cần điều chỉnh chế độ ăn. Nếu ăn bình thường dùng thuốc không kiểm soát được đường huyết thì cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập. Với từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những lời khuyên cụ thể.
Xuân Thủy (ghi)