Hà Nội

Hạn chế bệnh do vi khuẩn tụ cầu

09-07-2014 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Vi khuẩn tụ cầu có hầu hết khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên. Vi khuẩn tụ cầu có thể gây bệnh cho người bất cứ lúc nào...

Vi khuẩn tụ cầu có hầu hết khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên. Vi khuẩn tụ cầu có thể gây bệnh cho người bất cứ lúc nào, mùa nào nhưng mùa hè, chúng thường gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn cho con người, đặc biệt là trẻ em.

Vi khuẩn tụ cầu là nguyên nhân của nhiều bệnh

Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) có 3 loại - đó là tụ cầu vàng   (S.aureus), tụ cầu da (S. epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus). Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhất và có khả năng gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt, chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh. Gây bệnh của tụ cầu rất đa dạng, trong đó cần quan tâm đến một số bệnh mà tụ cầu gây ra hay gặp trong mùa hè.

Hình ảnh vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus).

Bệnh nhiễm khuẩn da và niêm mạc do tụ cầu là một bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng, nhất là các bệnh mụn nhọt, chốc đầu, lở loét da. Bệnh ở da có khi tạo nên các ổ áp-xe to bằng hạt ngô, quả táo, đầu ngón tay nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu bị nhiễm tụ cầu có thể gây nên viêm da sơ sinh hoặc hội chứng bong da ở trẻ nhỏ. Bệnh được thể hiện là ngay sau khi có sốt và đỏ da là xuất hiện hiện tượng bong lớp biểu bì, đồng thời hình thành bọng nước trên một diện tích da khá rộng. Viêm da cũng có thể tạo thành các ổ áp-xe nhỏ như đầu đinh ghim ở vùng da đầu do viêm tắc các  chân lông và tuyến mồ hôi, tuyến bã. Nhiều trường hợp viêm tạo thành nhọt (áp-xe) da đầu bị vỡ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau làm xuất tiết các chất huyết tương kèm theo vi khuẩn tụ cầu lây lan sang vùng da khác và gây bệnh. Đặc biệt là vùng da có nhiều lông như ở đầu (trẻ em và người trưởng thành), nách, mu (người trưởng thành). Tụ cầu cũng gây nên mụn đầu đinh (đinh râu) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh vì có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.

Tụ cầu gây bệnh ở các cơ quan sâu trong cơ thể như áp-xe cơ hoành, áp-xe các cơ đùi, bắp chân, áp-xe phổi. Những bệnh do tụ cầu gây nên ở da và niêm mạc có thể là ngoại sinh (môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh) nhưng cũng có thể là do nội sinh (vi khuẩn tụ cầu có ngay trên cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh, bởi vì có tới 20 - 30% người lành mang vi khuẩn này ở da và niêm mạc đường hô hấp trên).

Mùa hè nắng nóng, nếu thiếu nước sinh hoạt kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt thì bệnh do tụ cầu càng dễ phát triển và có khi gây thành dịch mang tính chất gia đình. Trong bệnh viện, vi khuẩn tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn bệnh viện) như nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn bỏng, nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm họng, viêm phổi), nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm khuẩn tiết niệu thường do tụ cầu hoại sinh), nặng nhất và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như viêm tủy xương (gặp trong trường hợp đóng đinh nội tủy do gãy xương), viêm tĩnh mạch xoang hang, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ.

Tụ cầu gây ngộ độc thực phẩm

Vào mùa hè, nếu vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt thì rất dễ ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu là thường gặp, bởi vì tụ cầu vàng có ngoại độc tố rất mạnh, thêm vào đó, ngoại độc tố của tụ cầu vàng khác với các ngoại độc tố của các vi khuẩn khác là khi ở nhiệt độ 100oC trong vòng 15 phút chưa bị phá hủy. Do vậy, nếu ăn phải thực phẩm có tụ cầu vàng hoặc độc tố của chúng thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất có thể xảy ra. Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng rất dễ gây ra thành dịch.

Sở dĩ vi khuẩn tụ cầu có khả năng gây nhiều bệnh và dễ xảy ra vào mùa hè là do tụ cầu có nhiều loại nội độc tố và đặc biệt nhất là vi khuẩn tụ cầu sản sinh ra men kháng lại kháng sinh penicillin.

Để chẩn đoán vi khuẩn tụ cầu, cần phải nuôi cấy xác định vi khuẩn, đặc biệt làm kháng sinh đồ để giúp bác sĩ điều trị chọn kháng sinh thích hợp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để hạn chế mắc bệnh mùa hè do tụ cầu gây ra, cần vệ sinh cá nhân thật tốt bằng hình thức tắm, rửa hàng ngày với nước sạch, nhất là trẻ nhỏ bụ bẫm có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa đựng nhiều mồ hôi, bã nhờn. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày bằng hình thức đánh răng và súc họng nước muối nhạt trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Mỗi khi đi ra ngoài đường, nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn. Nếu bị viêm đường hô hấp, nhất là các loại bệnh thuộc hô hấp trên (viêm mũi, họng, viêm amiđan, xoang), cần điều trị một cách dứt điểm, không nên để chúng trở thành bệnh mạn tính.

Để tránh mắc bệnh ngộ độc thực phẩm do tụ cầu gây ra vào mùa hè thì cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, gỏi, nem chua, nem chạo và không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi. Cần vệ sinh môi trường thật tốt, nhất là vệ sinh môi trường bệnh viện, môi trường sinh hoạt trong mỗi một gia đình. Đối với các cơ sở y tế, cần vô khuẩn tuyệt đối các dụng cụ y tế để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có tụ cầu. Cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em bởi vì hiện nay chưa có vaccin đặc hiệu để phòng các bệnh do vi khuẩn tụ cầu gây ra.            

  PGS.TS. Bùi khắc hậu

 


Ý kiến của bạn