Hạn chế bất cập kỳ tuyển sinh

11-03-2016 13:45 | Xã hội

SKĐS - Quy chế thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập của mùa tuyển sinh 2015 có nhiều điểm mới được dư luận và các chuyên gia...

Quy chế thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập của mùa tuyển sinh 2015 có nhiều điểm mới được dư luận và các chuyên gia, những người làm công tác giáo dục đánh giá cao. Tuy nhiên, quy chế đó vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế mà theo các chuyên gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục lắng nghe, chỉnh sửa cho phù hợp xét cả phương diện khoa học giáo dục và thực tiễn.

20 ngày xét tuyển đại học năm 2015, nhưng chỉ có 3 ngày cuối cùng tạo nên điểm nóng bởi việc nộp hồ sơ vào rồi  rút ra,  rồi lại rút ra, nộp vào. Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, do quá nhiều sự lựa chọn ngành - tức 4 ngành trong 1 trường; thời gian xét tuyển quá dài; được thay đổi nguyện vọng... Những điều đó đã tạo nên sự rối ren của mùa tuyển sinh năm 2015. Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương rút bớt ngày xét tuyển đợt 1 còn 12 ngày; thí sinh được đăng ký tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành. Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký, những điều chỉnh này là hoàn toàn có lợi cho thí sinh.

Với việc điều chỉnh mỗi trường các em được đăng ký 2 ngành thì thí sinh hoàn toàn có thể căn cứ vào sở trường, sở thích của mình để chọn ngành phù hợp, sau đó căn cứ vào kết quả thi, các em sẽ chọn trường đúng với năng lực của mình để có khả năng trúng tuyển cao nhất. Ví dụ, một thí sinh yêu thích ngành cơ khí, các em hoàn toàn có thể đăng ký vào ngành cơ khí ở 2 trường khác nhau. Căn cứ vào kết quả thi, các em có thể chọn 1 trường ở tốp trên, một trường ở tốp giữa thì xác suất trúng tuyển rất cao vào đúng ngành mà thí sinh mong muốn và lựa chọn.

Đối với việc rút bớt ngày xét tuyển đợt 1 còn 12 ngày, nhiều ý kiến tán thành nhưng bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng vẫn là quá dài so với một đợt xét tuyển. Bởi khi biết điểm, thí sinh đã có thể chủ động chọn ngành nghề cho mình. Bên cạnh đó, năm nay, thí sinh không được phép rút hồ sơ trong mỗi đợt xét tuyển nên không nhất thiết phải để dài 12 ngày mà có thể rút ngắn hơn.

Cũng theo các chuyên gia giáo dục, sau khi thi đến tuần thứ 3 của tháng 7, các em đã biết kết quả rồi cho nên đến đầu tháng 8 bắt đầu đăng ký các thí sinh đã đủ thời gian để suy nghĩ về việc lựa chọn ngành, lựa chọn trường phù hợp với năng lực hoặc sở thích của mình, vì thế có thể rút ngắn được quy định 12 ngày.

Đối với việc chủ trương thành lập 2 hội đồng thi tại các tỉnh, thành phố gồm hội đồng thi dành cho học sinh xét công nhận tốt nghiệp THPT; một hội đồng thi để làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển, nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng có ý kiến cho rằng liệu có cần thiết phải như vậy không? Theo các chuyên gia giáo dục, chỉ nên để một hội đồng thi do các trường đại học, cao đẳng chủ trì để thống nhất.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều tiếp thu và sửa đổi để cho mỗi kỳ thi được tốt hơn, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục và đặc biệt là những người làm công tác tuyển sinh lâu năm vẫn mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia để từng bước khắc phục những hạn chế và tránh khỏi sai sót hoặc bất cập trong quá trình thực hiện các kỳ thi, kỳ xét tuyển.


Mạnh Cầm
Ý kiến của bạn