1. Biểu hiện của hăm tã
Hăm tã là bệnh thường gặp ở cả bé trai và bé gái. Tỉ lệ viêm da do tã lót trong cộng đồng là 7-35%. Đối với trẻ nằm viện là 17-43%.
Hăm tã lót do các nguyên nhân:
- Viêm da do chà xát: Bệnh biểu hiện da đỏ nhẹ ở những vùng bị chà xát bởi tã lót. Vị trí thường gặp là mặt trong đùi, mông, bụng, vùng sinh dục. Tình trạng này được giải quyết khá nhanh bằng thay tã lót, vệ sinh thường xuyên. Người chăm sóc trẻ chú ý đảm bảo tã lót không quá chặt và vệ sinh tã lót đúng cách.
- Viêm da tiếp xúc chất kích ứng: Là tình trạng phổ biến nhất với biểu hiện đỏ da ở vùng nếp lằn mông, mông, vùng quanh hậu môn, mu, vùng bụng dưới và vùng trên đùi... Thể này do da trẻ dị ứng hoặc nhạy cảm đối với các loại kem bôi da, thuốc mỡ, khăn ướt, xà phòng, tã lót…
- Viêm da do nấm Candida: Xuất hiện dát, đám đỏ da với các tổn thương nhỏ như đầu đinh ghim. Khi viêm da tã lót không đáp ứng với điều trị, cần nghĩ đến viêm da tã lót do Candida.
Viêm da tã lót do nhiễm khuẩn: Có thể xảy ra và cần điều trị bằng kháng sinh.
2. Điều trị hăm tã thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hăm sẽ có chỉ định dùng thuốc khác nhau:
- Do tiếp xúc với chất gây kích ứng: Trẻ có thể được chăm sóc và xử trí điều trị tại nhà. Dùng kem bảo vệ chứa kẽm oxid hoặc petrolatum (vaselin) thoa lên vùng viêm da. Có thể bôi thuốc nhiều lần trong ngày sau mỗi lần thay tã.
Các loại kem này tạo nên một lớp màng lipid bảo vệ, ngăn cản da tiếp xúc trực tiếp với các chất kích ứng. Kem được bôi mỗi khi thay tã lót với trẻ có nguy cơ hăm tã. Đối với trẻ đã bị hăm tã thì bôi bất kỳ lúc nào.
Bôi một lớp dày lên các vùng da tiếp xúc với các chất kích ứng. Khi thay tã lót không nên lau đi hoàn toàn mà chỉ cần rửa bỏ nhẹ nhàng chất bẩn (phân, nước tiểu) bám vào lớp kem trước khi bôi lớp kem tiếp theo.
Nếu vùng da vẫn còn đỏ, có thể bôi thêm một lớp kem bảo vệ bên trên và tiếp tục lặp lại các bước trên đến khi ban đỏ biến mất. Sau vài ngày tình trạng da không tốt hơn, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ
- Viêm da do nấm Candida: Dùng thuốc kháng nấm bôi tại chỗ chứa nystatin, clotrimazole hoặc miconazole. Trẻ bị viêm da do nấm cần được bác sĩ tư vấn, kê đơn và hướng dẫn cách chăm sóc và dự phòng tái phát.
- Viêm da do vi khuẩn: Sử dụng kem bôi kháng sinh tại chỗ mupirocin 2% có hiệu quả với viêm da do tã lót nhiễm khuẩn. Tuy nhiên cần có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp viêm da nặng, trẻ cần được đưa đi khám sớm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu. Bác sĩ sẽ khám và có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như: soi tươi tìm nấm, vi khuẩn, hoặc định lượng kẽm… để có kế hoạch điều trị với từng bệnh nhi cụ thể. Với một số viêm da do tã lót nặng do vi khuẩn có thể phải điều trị kháng sinh toàn thân.
3. Cách dự phòng hăm tã
- Cho da vùng tã lót tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt. Thay tã lót thường xuyên mỗi 1-3 giờ hoặc ngay khi bị bẩn và ít nhất một lần mỗi đêm. Tránh cọ xát hoặc chà xát trong khi thay tã lót và rửa nhẹ nhàng vùng da tã lót. Đối với trẻ đẻ non thì điều này cần đặc biệt lưu ý.
- Bột chống hăm không được khuyến cáo sử dụng bởi vì có thể thúc đẩy vi khuẩn và nấm phát triển, có thể làm tình trạng viêm da tã lót nặng hơn. Ngoài ra trẻ có thể mắc phải các vấn đề về hô hấp khi hít phát các hạt nhỏ này sẽ không có lợi.
- Làm sạch: Phương pháp truyền thống là dùng nước và khăn lau khô, ngày nay thường dùng giấy lau. Một số loại khăn lau có chứa chất tạo mùi thơm, alcohol… có thể gây kích ứng cho da, nên hạn chế sử dụng.
- Dùng tã lót: Công nghệ tã lót phát triển giúp ngăn ngừa viêm da tã lót. Nên chọn loại tã lót mềm, phù hợp với làn da mỏng manh của trẻ.
- Người chăm sóc trẻ: Rửa vùng da tã lót với nước ấm và dùng vải mềm hoặc khăn lau nhẹ nhàng mỗi lần thay tã. Nên lau vùng sinh dục từ trước ra sau và tránh cọ rửa quá mức.
Mời độc giả xem thêm video:
Đã có trẻ mắc Tay Chân Miệng nặng: 6 Khuyến cáo phòng chống bệnh người dân cần biết