Hàm khung

12-08-2012 07:13 | Bệnh thường gặp
google news

Khi mất một hay nhiều răng vĩnh viễn mà chúng ta không phục hồi lại những răng đó (làm răng giả) sẽ gây ra những hậu quả tại chỗ và toàn thân, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống.

(SKDS) - Vì một lý do nào đó răng vĩnh viễn mất đi sẽ không có răng nào mọc lên để thay thế cho chúng. Khi mất một hay nhiều răng vĩnh viễn mà chúng ta không phục hồi lại những răng đó (làm răng giả) sẽ gây ra những hậu quả tại chỗ và toàn thân, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống.

Phục hồi răng đã mất

Khi mất răng chúng ta nên đi khám và phục hồi lại những răng đã mất. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để phục hồi răng như cấy ghép implant, phục hình cố định cầu răng, hàm giả tháo lắp. Trong hàm giả tháo lắp có hàm tháo lắp toàn bộ (khi bệnh nhân mất hết răng) và hàm tháo lắp bán phần (bệnh nhân vẫn còn nhiều răng trên cung hàm). Hàm khung là phục hình tháo lắp bán phần có phần chính là một khung sườn kim loại, toàn bộ cấu trúc hợp kim của khung (móc, yên, thanh nối) được đúc chung liền nhau thành một khối. Răng thay thế được gắn vào yên phục hình bằng nhựa acrylic.

 Hàm khung tốt cho bệnh nhân mất răng lẻ tẻ.

Những ưu điểm của phương pháp hàm khung

Hàm khung được chỉ định cho những bệnh nhân mất răng xen kẽ với khoảng mất răng quá dài không thể làm phục hình cố định được, mất răng phía sau và không còn răng giới hạn phía xa, mất răng một bên khung hàm, một số bệnh nhân mất răng được phục hình cố định nhưng không muốn mài răng.
 
Với việc chọn phục hình tháo lắp khung bộ chúng ta sẽ thuận lợi trong việc giữ vệ sinh cho hàm giả, giữ vệ sinh cho các răng thật còn lại và mô nềm trong miệng, có thể thực hiện được các sửa chữa hàm như thêm răng, thêm móc, đệm hàm. Khi mất răng trước cửa xương ổ răng tiêu nhiều hàm khung phục hồi được phần xương đã mất đó do đó đạt được yêu cầu về thẩm mỹ.

Khi đeo hàm giả lần đầu tiên bệnh nhân sẽ cảm thấy vướng cộm khó chịu, khó phát âm, khó nuốt có thể đau niêm mạc. So với hàm tháo lắp nhựa thì hàm khung sẽ làm giảm các cảm giác trên nên thời gian thích nghi sẽ ngắn hơn do hàm nhỏ gọn tạo được sự thoái mái cho bệnh nhân khi sử dụng. Hàm khung được thiết kế chính xác dựa vào các răng chắc khỏe còn lại trên hàm nên rất bền vững khi lắp vào miệng, loại bỏ được các chuyển động tự do nên hàm khung cho sức nhai tốt hơn hàm tháo lắp nhựa.

Hàm khung được thiết kế để trống vùng cổ răng và lợi các răng còn lại giúp duy trì lâu dài các răng này, giúp tăng cảm giác ngon miệng khi ăn. Nhờ các tựa mặt nhai và các mối nối cứng rắn giữa yên phục hình và răng trụ nên lực nhai ít tác dụng xuống sống hàm (ngăn cản sống hàm tiêu xương nhanh).

Vật liệu làm hàm khung bằng kim loại nên độ bóng cao, độ láng cao ngăn dịch miệng ngấm vào hàm giả thuận lợi cho việc vệ sinh. So với phục hình cố định cầu răng, hàm khung không phải mài răng và chi phí thấp hơn, không phải can thiệp vào một số răng còn nguyên (lấy tủy) để làm phục hình.
 
Trong một số trường hợp mất răng không còn răng phía sau, mất răng một bên hàm không làm được phục hình cố định, bệnh nhân sau phẫu thuật hàm mặt, hàm khung là loại phục hình tháo lắp tốt nhất. So với phục hình cấy ghép implant hàm khung có chi phí thấp, quá trình điều trị đơn giản hơn và thời gian nhanh hơn. Hàm khung là sự lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân mất răng lẻ tẻ không thể làm phục hình cố định cầu răng, không thể cấy ghép implant.

Phục hình tháo lắp khung bộ tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm riêng như kỹ thuật lâm sàng và labo phức tạp hơn, trang thiết bị labo hiện đại hơn, chi phí điều trị hàm cao hơn hàm tháo lắp nhựa. Tuy nhiên với điều kiện kinh tế hiện nay một số bệnh viện lớn đã đầu tư đầy đủ về máy móc và con người để phục vụ và đáp ứng tốt hơn cho người bệnh.

BS.Nguyễn Văn Long


Ý kiến của bạn