1. Những trường hợp thích hợp bọc răng sứ
Theo ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 19-8, bọc răng sứ là một hình thức cải thiện, khắc phục tình trạng khiếm khuyết của răng, nhờ đó giúp bạn ăn nhai tốt hơn, đồng thời nâng cao tính thẩm mỹ cho hàm răng trắng đều, đẹp tự nhiên.
Kỹ thuật bọc răng sứ cũng được sử dụng cải thiện phần nào tình trạng hàm hô, tuy nhiên cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt trước khi quyết định bọc răng sứ. Trường hợp hàm hô nặng không nên bọc răng sứ do có thể làm tổn hại đến men răng. Như vậy, bọc răng sứ phù hợp với những trường hợp sau đây:
- Hàm hô nhẹ, chủ yếu hai răng cửa hàm trên nhô ra ngoài hoặc bị sứt mẻ.
- Răng không đều, lệch lạc, mọc thưa hoặc có vấn đề về màu răng.
- Ngoài ra, các trường hợp răng bị chết tủy, hoặc bị sâu răng, răng xỉn màu ố vàng quá nặng mà không thể khắc phục bằng cách tẩy trắng răng thì cũng có thể cân nhắc bọc răng sứ.
ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 19-8 thông tin về việc có nên bọc răng sứ cho hàm hô hay không.
2. Quy trình bọc răng sứ diễn ra như thế nào?
Quá trình thăm khám và bọc răng sứ cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt tại các cơ sở nha khoa uy tín, đáp ứng các điều kiện an toàn để tránh gặp phải các biến chứng nguy hại khi làm thẩm mỹ răng, ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang nhấn mạnh.
Quy trình bọc răng sứ thường được diễn ra như sau:
Bước 1: Thăm khám và xử lý các vấn đề răng miệng nếu có trước khi bọc răng sứ
Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát, chụp phim X-quang để đánh giá sức khỏe răng miệng. Nếu phát hiện các tình trạng sâu răng, viêm tủy… cần điều trị triệt để trước khi bọc răng sứ. Bác sĩ có thể dựa vào tình trạng của mỗi người để tư vấn loại răng sứ phù hợp.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng, mài cùi răng
Sau khi đã thăm khám và quyết định loại răng sứ, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh răng miệng và mài răng theo độ mỏng phù hợp để bọc răng sứ. Ở bước này, bạn có thể được gây tê để không cảm thấy khó chịu trong quá trình thực hiện. Trường hợp răng đã chết tủy thì không gây tê.
Bước 3: Lấy dấu răng và gửi về phòng labo
Bác sĩ sẽ tiến hành lấy dấu răng và gửi về phòng labo để chế tác răng sứ. Trong thời gian chờ đợi, bạn sẽ được gắn răng tạm thời để đảm bảo tính thẩm mỹ và bảo vệ cùi răng.
Bước 4: Tiến hành gắn răng sứ
Trước khi gắn răng sứ cố định, bạn sẽ đến nha khoa để kiểm soát độ khít sát, hình dáng cũng như màu sắc của răng sứ. Bác sĩ có thể điều chỉnh vị trí răng sứ để đảm bảo hoạt động ăn nhai diễn ra như bình thường. Lúc này, nếu không có vấn đề gì, bác sĩ sẽ tiến hành gắn cố định răng sứ để hoàn thành quy trình làm thẩm mỹ răng.
Sau khi bọc răng sứ, cần tuân thủ các hướng dẫn về bảo quản răng sứ, chăm sóc, vệ sinh răng miệng và tái khám định kỳ với bác sĩ để phát hiện các vấn đề nếu có.
Bọc răng sứ cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để đảm bảo an toàn, hiệu quả./p>
3. Một số lưu ý khi bọc răng sứ
Bọc răng sứ được đánh giá là một kỹ thuật thẩm mỹ răng an toàn, tuy nhiên vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nếu được thực hiện không đúng chỉ định. Trên thực tế, có nhiều trường hợp sau khi bọc răng sứ gặp phải tình trạng đau nhức, hôi miệng, răng sứ bị vênh hở gây sâu răng, viêm tủy, thậm chí dẫn đến mất răng.
Giải thích về những biến chứng này, ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang cho hay, đa số nguyên nhân là do thực hiện bọc răng sứ không đúng kỹ thuật, người dân tham bọc răng sứ giá rẻ… Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cũng như thẩm mỹ răng, cần lựa chọn nha khoa uy tín để thực hiện. Cơ sở nha khoa uy tín phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ y bác sĩ cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Ngoài ra, sau khi bọc răng sứ, nếu có bất kỳ vấn đề nào về khớp cắn, hoạt động ăn nhai… cần báo ngay cho bác sĩ để được khắc phục kịp thời, tránh trường hợp dẫn đến viêm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Tẩy Răng Bằng Vỏ Chanh Có Trắng Sáng Không? | SKĐS