Nỗi buồn khi triển lãm tan
Trong một lần ngồi uống cà phê cạnh Trung tâm Triển lãm nghệ thuật Việt Art (42 Yết Kiêu, Hà Nội), thấy tôi chăm chú nhìn khối sắt thép có hình thù kỳ cục nằm im lìm trong góc quán, anh bạn ngồi cùng liền bảo: "Đó là tác phẩm điêu khắc của một họa sĩ khá nổi tiếng đấy. May cho nó chưa bị vứt kho". Dường như biết tôi còn chưa hết ngơ ngác, anh giải thích thêm: Ở bên Việt Art năm nào chả có mấy cuộc triển lãm điêu khắc. Sau mỗi cuộc đều có hàng đống tác phẩm hoặc bị phá hủy tại chỗ, hoặc cho đi không đắt, hoặc phải đem gửi vào kho của trường mỹ thuật, họa hoằn lắm mới có một tác phẩm được giới trong nghề phục tài nhau mà "mua ủng hộ" về trưng bày như thế.
Đem ngậm ngùi với số phận của những tác phẩm điêu khắc đi hỏi ông Đào Châu Hải - một nghệ sĩ tên tuổi đã có nhiều năm gắn bó với loại hình nghệ thuật này, tôi cũng nhận được câu trả lời đầy chua xót: Đúng là vậy, đi thẳng từ triển lãm xuống nhà kho là con đường phổ biến nhất dành cho hầu hết các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật! Ông Hải còn cho biết thêm: Ngay bản thân ông cũng đã không ít lần phải từ bỏ đứa con tinh thần của mình khi triển lãm kết thúc. Có cố gắng lắm thì cũng chỉ giữ được 20 - 25% số tác phẩm của mình, còn lại đành ngậm ngùi phá hủy hết. Lý do dễ hiểu là: không thể tìm được chỗ trưng bày thích hợp cho những tác phẩm ấy, nhất là với những tác phẩm có khối lượng lớn, phải cần có không gian rộng.
Thường thì các cuộc triển lãm vẫn là nơi để nghệ sĩ công bố tác phẩm và thành quả lao động trong suốt nhiều năm với công chúng yêu nghệ thuật. Triển lãm cũng là nơi để các tác giả giới thiệu và bán tác phẩm nhằm thu hồi lại số tiền và công sức đã bỏ ra. Thế nhưng, với chuyên ngành điêu khắc, triển lãm chỉ đơn thuần là công bố tác phẩm. Còn việc mua và bán tác phẩm là điều quá xa vời với các nghệ sĩ. Điều này hoàn toàn trái ngược với chuyên ngành hội họa. Trong khi các họa sĩ vẽ tranh vẫn túc tắc bán được vài ba chục bức tranh qua mỗi cuộc triển lãm thì với các nghệ sĩ điêu khắc, việc mang tác phẩm tới phòng triển lãm chỉ là góp tiếng nói chung vào cuộc vui của những người làm nghề. Mang đến rồi mang về - dường như điều đó đã trở thành mặc định được chấp nhận với tất cả những ai đang dấn thân vào loại hình nghệ thuật này!
![]() Nhiều tác phẩm điêu khắc bị vứt lăn lóc sau triển lãm. |
Bao giờ công chúng hết quay lưng?
Qua một số triển lãm điêu khắc gần đây, có thể thấy nghệ thuật điêu khắc Việt Nam sau nhiều năm phát triển trên nền tảng điêu khắc truyền thống đã có những bước phát triển lớn, ngày càng đi gần đến vẻ đẹp của đặc trưng ngôn ngữ tạo hình hơn với sự phong phú hơn trong quan niệm thẩm mỹ, cách thể hiện cũng như chất liệu. Tại các trại sáng tác điêu khắc hay liên hoan mỹ thuật quốc tế, tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Việt Nam đều được bạn bè quốc tế đánh giá cao và hoàn toàn tương xứng với sự phát triển chung của nghệ thuật đương đại trên thế giới.
Ấy thế nhưng điêu khắc hiện đại ở nước ta hiện nay gần như chưa được xã hội coi trọng. Nó mới chỉ hiện diện trong các công trình tượng đài, một số ít các tác phẩm được đặt hàng hoặc lựa chọn để trưng bày tại không gian công cộng như vườn hoa, quảng trường, bảo tàng. Các nhà sưu tầm nghệ thuật cũng ít quan tâm đến điêu khắc. Công chúng nói chung còn xa lạ với loại hình nghệ thuật này. Để trang trí cho các ngôi nhà, họ thường sử dụng các đồ thủ công mỹ nghệ chứ ít khi nghĩ tới các tác phẩm điêu khắc độc bản. Chính vì vậy mà các tác phẩm điêu khắc không có "đầu ra", không có thị trường tiêu thụ.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhìn nhận: Lâu nay chúng ta chỉ coi trọng kiến trúc mà coi nhẹ điêu khắc, trong khi ở các nước khác, hai ngành kiến trúc và mỹ thuật luôn mật thiết và song hành. Các công trình xây dựng tại Pháp, Hàn Quốc, người ta luôn có không gian dành riêng cho nghệ thuật điêu khắc và thường dành ít nhất 1% kinh phí công trình cho hạng mục mỹ thuật, điêu khắc. Hay khi đến các thành phố lớn ở các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, có thể nhận ra ngay những công trình điêu khắc nghệ thuật hoành tráng nhất chính là những công trình biểu trưng của thành phố. Rõ ràng, các cơ quan chức năng của ta cần phải thay đổi nhận thức mỹ thuật để phù hợp với xu thế thế giới hiện đại.
Linh Nga