Hầm đường sắt liên tục sạt lở, còn hàng chục vị trí phải gia cố

28-05-2024 06:48 | Xã hội

SKĐS - Ngành đường sắt vẫn còn hàng nghìn điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, trong đó có không ít vị trí hầm đường sắt cũ, yếu và nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Thêm số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin sự cố, tai nạn đường sắtThêm số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin sự cố, tai nạn đường sắt

SKĐS - Các cuộc gọi đến đường dây nóng tiếp nhận thông tin sự cố, tai nạn đường sắt sẽ được ghi âm, lưu số và chuyển tiếp đến đơn vị liên quan để giải quyết.

Trước hàng loạt sự cố sạt lở hầm đường sắt liên tiếp xảy ra từ tháng 4/2024 đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng sau khi khắc phục xong các sự cố, các cấp có thẩm quyền cần xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng. Ngòa ra còn phải có phương án xử lý 27 hầm yếu khác trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Được biết, trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, ngành đường sắt mới chỉ xây dựng được 20.757m đường gom và 15.089m hàng rào ngăn cách giữa đường bộ - đường sắt; xây dựng hầm chui chỉ đạt 2/149 hầm và xây dựng mới vỏn vẹn 3/297 đường ngang... Như vậy, các công trình hạ tầng đường sắt được xây dựng mới trong thời gian qua rất ít, trong khi đó các công trình cũ có nguy cơ mất an toàn xuất hiện ngày càng nhiều.

Hầm đường sắt liên tục sạt lở, còn hàng chục vị trí phải gia cố- Ảnh 2.

Liên tiếp ghi nhận các vụ sạt lở bên trong hầm đường sắt thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông lĩnh vực đường sắt từ năm 2019 đến hết năm 2023, trên các tuyến đường sắt hiện tồn tại 5 điểm đen (Km81+487, Km109+350, Km257+990, Km267+500, Km299+625 tuyến đường sắt Bắc - Nam) và 1.087 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Hiện các chủ thể liên quan tại địa phương chỉ có thể áp dụng các biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như: Cảnh giới, thu hẹp lối đi, cắm biển hạn chế phương tiện, biển cảnh báo... Chứ không thể xử lý dứt điểm các điểm đen hay đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt.

Hầm đường sắt liên tục sạt lở, còn hàng chục vị trí phải gia cố- Ảnh 3.

Ngành đường sắt gặp khó trong công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt và cũng dậm chân tại chỗ trong việc xây mới, trùng tu các công trình hạ tầng đường sắt.

Mới đây nhất, vào ngày 21/5 đã xảy ra sự cố sạt lở trong hầm đường sắt Chí Thạnh, Phú Yên (Km 1.168+700 tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh). Sự cố khiến đất, đá lấp kín bề ngang hầm, buộc phải phong tỏa đoạn đường sắt giữa 2 ga La Hai (huyện Đồng Xuân) và ga Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Từ ngày 21 đến 26/5, hầm Chí Thạnh liên tục có những đợt sạt lở nhỏ khiến công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 28/5, các đơn vị phải lùi ngày thông tàu dự kiến đến cuối tháng 5 - đầu tháng 6 và đã hủy toàn bộ các chuyến tàu trong tháng 5 có đi qua hầm Chí Thạnh hay tàu chạy tuyến Bắc - Nam.

Hầm đường sắt liên tục sạt lở, còn hàng chục vị trí phải gia cố- Ảnh 4.

Hầm Chí Thạnh liên tục sạt lở trong quá trình nạo vét, ngày thông tuyến đường sắt Bắc - Nam liên tục lùi tiến độ.

Trước đó không lâu, Vào ngày 12/4 đã xảy ra sự cố sạt lở tại hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) với khối lượng khoảng 180m3. Tương tự hầm Chí Thạnh, hầm Bãi Gió cũng liên tiếp xảy ra sạt lở trong các ngày sau đó khiến công tác nạo vét mất nhiều thời gian. Phải đến ngày 21/5 (9 ngày sau sự cố) thì hầm đường sắt Bãi Gió mới được khắc phục xong và cho tàu chạy bình thường.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sự cố sập hầm Bãi Gió gây thiệt hại ước tính hơn 50 tỷ đồng (bao gồm chi phí khắc phục sự cố, thiệt hại trực tiếp do sự cố và giảm doanh thu do ảnh hưởng từ sự cố).

Liên quan đến sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh, theo đề nghị hỗ trợ của Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 10 thiết bị và 40 nhân sự đến công trình để hỗ trợ khắc phục sự cố tại Hầm đường sắt Chí Thạnh. Mục tiêu các đơn vị đặt ra là đến 30/5 có thể thông hầm.

Được biết, hầm đường sắt Chí Thạnh là 1 trong số 11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt trên cả nước đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai với tổng kinh phí thực hiện là 7.000 tỷ đồng.

Xem thêm video được quan tâm:

Thanh tra đề nghị xem xét trách nhiệm dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đội vốn.


Thành Long
Ý kiến của bạn