Hai truyền thuyết dân gian về việc Trần Hưng Đạo chém Phạm Nhan

07-12-2019 09:17 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Truyện thứ nhất là tác phẩm của nhà văn Trần Trợ, tên thực là Trần Quí, Viên ngoại lang bộ Lại, Trợ giáo Thái tử thời Lê. Lịch sử văn học Việt Nam phần về văn học thời trung đại và sách giáo khoa phổ thông, ghi tên ông là Trần Quí Nha.

Ông là con tiến sĩ, Lễ bộ thượng thư, Phó đô ngự sử Trần Tiến, người làng Điền Trì, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Truyện chép trong tập sách Công dư tiệp kí tục biên (Viết tiếp Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề, người làng Mộ Trạch, Bình Giang tỉnh Hải Dương). Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, chuyên gia hàng đầu của văn học trung đại Việt Nam, thì sách này của Trần Trợ đã được khắc in từ  những năm trước 1786.

Truyện của Trần Trợ kể rằng, Phạm Nhan là người  làng An Bài (nay là phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - trước năm 1962, thuộc tỉnh Hải Dương), tên khai sinh của hắn là Bá Linh, họ Nguyễn. Phạm Nhan là tên chữ khi hắn đi thi và ra làm quan. Cha Nguyễn Bá Linh là người Quảng Đông, Trung Quốc, sang buôn bán ở chợ Đông Hồ (chợ Cột - Đông Triều sau này, nhưng ở phía Trạo Hà, phường Đức Chính hiện nay) đã lấy vợ ở làng An Bài rồi sinh ra hắn tại đây. Lớn lên hắn về quê cha học rồi đi thi, đỗ tiến sĩ. Vốn có tài làm thuốc, hắn được tuyển vào cung, rồi thông dâm với một cung nữ được vua Nguyên sủng ái, bị khép án “trảm gian hậu” (giam rồi chém đầu sau). Đúng lúc đó, Vua Nguyên khởi binh đánh Đại Việt lần thứ 3, năm 1287, hắn xin cho lấy công chuộc tội, vì hắn rất thông thuộc “sào huyệt” của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp (thuộc phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc - Bắc Ninh - nay là Kiếp Bạc, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Hai truyền thuyết dân gian về việc Trần Hưng Đạo chém Phạm NhanTượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Chiều ngày 8/3 năm Mậu Tý, tức ngày 9/4/1288, Phạm Nhan bị bắt sống tại trận kịch chiến trên sông Bạch Đằng và bị kết tội chết. Hắn xin được đưa về làng An Bài, châu Đông Triều, nơi đã sinh ra hắn và xin được Hưng Đạo Vương chém đầu hắn tại đây. Nhân dân địa phương ném xác hắn xuống sông Thanh Lương của bản xã. Hai người dân chài vớt được cái đầu hắn, khấn, nếu hắn phù hộ đánh được nhiều cá, sẽ lập miếu thờ. Còn những mảnh thân xác hắn tan rữa ra đã biến thành những con đỉa... (và khi bị đỉa cắn, phải dùng vôi hay bồ hóng bôi vào con đỉa mới chịu nhả ra).

Truyện thứ hai của Nguyễn Dã, đăng báo Hải Dương cuối tuần, tháng 9/2015, sưu tầm từ chuyện kể dân gian của các bậc cao niên vùng Kiếp Bạc bây giờ. Truyện này không ghi tên khai sinh, làng quê, hay lại lịch của Phạm Nhan. Có một chi tiết đáng chú ý, thời ấy, bên sông Thương, có bà hàng cơm người làng Vạn Yên (nay thuộc phường Hưng Đạo, TP. Chí Linh). Một lần quán cơm của bà có một người vận đồ xanh, tướng mạo hung dữ vào uống rượu, bà hỏi thì biết tên hắn là Phạm Nhan. Hắn khoe có 5 phép thần thông, chỉ có chỉ ngũ sắc mới trói được hắn, chỉ có bôi vôi tôi, phân gà sáp với bồ hóng vào lưỡi kiếm mới chém được đầu hắn. Bà đã dâng kế đó cho Hưng Đạo Vương. Hưng Đạo Vương sai Yết Kiêu đi đục thuyền, rồi dùng chỉ ngũ sắc bắt trói hắn (không ghi bắt ở đâu). Hưng Đạo Vương đã dùng phân gà sáp, hòa với vôi và bồ hóng, bôi vào lưỡi kiếm thần của mình, mới chém được đầu hắn. Nơi chém là trên pháp trường (cũng không ghi ở đâu). Sau đó, vào một chiều dạo chơi trên sông Thương bằng thuyền, Hưng Đạo Vương mới ném lưỡi gươm bẩn (vì đã nhuốm máu giặc Thát, trong đó có Phạm Nhan) xuống sông cho nước rửa sạch giùm. Nơi Hưng Đạo Vương ném kiếm xuống, cát bồi dần lên thành một cái doi trên sông, gọi là cồn Kiếm, trước cửa đền thờ Ngài bây giờ.

Chuyện bà hàng cơm bên sông Thương, có phần giống với chuyện bà hàng nước bên sông Bạch Đằng, người đã báo cho  Hưng Đạo Vương biết mực nước triều lên xuống để dựng trận địa cọc. Chi tiết khác nhau là, sau đại thắng, Hưng Đạo Vương tìm bà khắp vùng không thấy đâu. Nhân dân  địa phương phong bà là Vua,  gọi là Vua Bà, và lập đền thờ. Hiện nay đền Vua Bà vẫn khang trang bên cạnh đền thờ  Hưng Đạo Vương bên cửa sông Bạch Đằng. Còn bà hàng cơm ở Vạn Yên thì sau chiến thắng vẫn còn đó, được vua Trần phong là Thiên Hương Ngọc Trinh công chúa,  sau khi bà mất được nhân dân lập nghè thờ, cái nghè hình vuông, mỗi chiều 2,5m ở một khu đất nhỏ ven đường, nay không còn.

Dĩ nhiên, đây chỉ là truyền thuyết dân gian, phản ảnh ý nguyện của nhân dân, thường là do nhân dân sáng tác sau đó nhiều chục năm, hoặc vài ba trăm năm sau, rồi được truyền tụng, nhuận sắc, mà thành. Truyện cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng thế, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử và có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc về chủ nghĩa yêu nước, nhưng cơ sở lịch sử thì thường không xác định được. Và các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm không ai đi tìm căn cứ có thực hay không của các truyền thuyết dân gian. Vì thế, chúng ta sẽ sai lầm, nếu biến chuyện dân gian thành lịch sử.


TRẦN NHUẬN MINH (Điền Trì, Nam Sách)
Ý kiến của bạn