Tai nạn xảy ra trong lúc diễn tập, liên đội Su-22 gồm hai chiếc 5857, 5863 của Sư đoàn Không quân 370, sáng 16/4. Hai phi công đang mất tích.
"Cả hai máy bay cùng mất liên lạc lúc 10h35 ở vùng biển Bình Thuận. Trên mỗi máy bay có một phi công. Chúng tôi đã xác định được vị trí máy bay rơi là vùng biển phía Bắc đảo Phú Quý, cách đảo khoảng 10-15 km", thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân nói.
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Bình Thuận - cho VnExpress biết: "Hai phi công đã nhảy dù xuống biển". Hiện Quân chủng Phòng không Không quân, lực lượng biên phòng tỉnh Bình Thuận gồm 10 chiến sĩ đóng tại Phú Quý đã đến hiện trường tìm kiếm các phi công, đồng thời kêu gọi các tàu cá trên biển hỗ trợ nhưng chưa thấy.
16h, ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý - cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa thấy dấu vết gì của hai chiếc máy bay và các phi công. "Một trực thăng cứu hộ vừa vào sân bay Phú Quý tiếp nhiên liệu và sẽ quay trở lại hiện trường ngay", ông Nhựt nói.
17h, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn thông tin: "Lực lượng cứu nạn tìm thấy một thùng dầu phụ cùng vệt dầu loang gần vị trí hai máy bay mất liên lạc".
18h30, ông Tạ Minh Nhựt cho biết, đoàn công tác Quân chủng Phòng không Không quân sau khi họp bàn với chính quyền huyện đảo đã quyết định tạm ngừng tìm kiếm vì trời tối. Công tác cứu hộ cứu nạn sẽ tiếp tục vào ngày mai.
Chiến đấu cơ tiêm kích Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Từ 1989 tới nay, tiêm kích Su-22 giữ nhiệm vụ chính trong việc bay tuần tra chính, bảo vệ Trường Sa.
Trước đó, sáng 26/3, cũng tại khu vực đảo Phú Quý, trực thăng MI8 xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đã bị rơi từ độ cao 10 m khi sắp hạ cánh. Ngoài 3 người trong tổ lái, máy bay còn có 5 người trong tổ trực tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Tất cả chỉ bị thương nhẹ.
Hoàng Trường - Hoàng Thùy