Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Bậc Y thánh của Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới

27-02-2024 10:37 | Y tế
google news

SKĐS - Trên các lĩnh vực y học, triết học, văn học… khoa học nói chung đều đánh giá cao công lao, sự nghiệp và những cống hiến quan trọng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với dân tộc, trong đó nổi bật hơn cả là sự nghiệp y học.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là ngôi sao sáng chói trong trong lịch sử y dược học cổ truyền Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp y học và trước tác của ông đã để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ mang tầm quốc tế. Trên các lĩnh vực y học, triết học, văn học… khoa học nói chung đều đánh giá cao công lao, sự nghiệp và những cống hiến quan trọng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với dân tộc, trong đó nổi bật hơn cả là sự nghiệp y học.

Tại phiên họp lần thứ 42 ngày 21/11/2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025", trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn "sống vì mọi người" và tinh thần "học tập suốt đời", là những giá trị mà tổ chức đang thúc đẩy. Đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Bậc Y thánh của Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới- Ảnh 1.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Một nhân cách lớn

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 250 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn khẳng định: "Ông đã cống hiến cả đời mình cho văn hóa, khoa học vì dân tộc, vì nhân dân… Sống và hoạt động ở một trong những thời kỳ sóng gió nhất của lịch sử nước nhà, vận mệnh của đất nước bị chìm ngập dưới bao nhiêu tai họa, Hải Thượng Lãn Ông là một tấm gương điển hình của người trí thức mà trong giờ phút thử thách, lương tri bị đặt trước sự lựa chọn giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa nhân nghĩa và bạo tàn… Ông đã tỏ ra xứng đáng là người kế thừa những truyền thống cao quý của dân tộc, là nhân, trí, dũng…". Cuộc đời nghiên cứu khoa học, phục vụ nhân dân không biết mệt mỏi của ông là tấm gương trong sáng cho chúng ta nêu cao và học tập.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam". Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay. Ông đã để lại cho hậu thế một tàng thư y học, một tấm gương sáng về y đạo, y đức, y lý, y thuật vô giá trong di sản văn hoá Việt Nam và được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra trong một gia đình quyền quý dòng dõi nối đời khoa mục thời Lê Trung Hưng có đến bảy người cha, con, ông, cháu, đỗ tiến sĩ và làm quan đại thần. Từ nhỏ, ông sớm được theo cha là tiến sỹ, thị lang Bộ Công triều Lê Hữu Mưu học tập ở kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là cậu học trò thông minh, học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Đến năm Kỷ Mùi (1739), Lê Hữu Trác 15 tuổi thì cha mất, phải thôi học, về nhà tiếp tục đọc sách, thi vào tam trường rồi theo học binh thư, mang chí làm quan, lập công danh lớn. Sau đó ông được sung vào quân đội chúa Trịnh.

Với chí khí thanh cao, cương trực, khẳng khái, chán ghét phải chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội, ông đã sớm từ bỏ mộng công hầu. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai qua đời, phải phụng dưỡng mẹ, ông xin về quê mẹ ở ẩn. Trong bối cảnh bấy giờ nổi lên xu hướng tư tưởng cầu danh lợi, thăng quan làm tướng, rẻ rúng nghề y, Lê Hữu Trác đã lội ngược dòng thời cuộc. Ông vứt bỏ mọi danh lợi, từ chối chức tước, bổng lộc, đề cao nghề làm thuốc; lấy tư tưởng nhân đạo bác ái để chữa bệnh cứu người, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân lao động; lấymục tiêu "chỉ muốn người đời không có bệnh" làm kim chỉ nam phấn đấu. Ông cởi bỏ khăn áo ngự y, vào luồn ra cúi chốn cung đình về làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân lành nơi thôn dã; không xu phụng người giàu, kẻ có quyền thế; bệnh nặng của người nghèo lo trước, bệnh nhẹ lo sau; coi đạo làm thuốc là việc giữ gìn tính mệnh cho con người, thương yêu quý trọng bệnh nhân, hết lòng vì người bệnh, không lấy nghề thầy thuốc để cầu danh lợi mà lấy việc chữa bệnh cứu người làm niềm vui, hạnh phúc.

Lãn Ông Lê Hữu Trác tự cho mình là ông già lười, nhưng cái lười của Lãn Ông là lười đua tranh danh lợi, lười đoái lui chốn đô hội phồn hoa, lười tìm kiếm bổng lộc, hư vinh, lười sân si bạc tiền phú quý, lười tửu sắc cuộc cờ, lười đi chơi xa vì sợ bệnh nhân tìm tới nhà mà mình đi vắng.... Mặc dù đã trở thành một đại danh y tiếng tăm lừng lẫy nhưng ông vẫn khiêm tốn khi nhìn nhận cuộc đời mình: "Tôi từ 30 tuổi đến 40 tuổi mới biết làm thuốc, từ 40 đến 50 tuổi mới ít lầm, từ 50 đến 60, 70 mới khỏi lầm".

Tinh thần học tập suốt đời là niềm say mê của Hải Thượng Lãn Ông. Quyết tâm "lấy cái chí muốn đi tới tận cội nguồn của học vấn chứ đâu chịu rơi vào cảnh lạc đường giữa biển cả không bờ bến". "Dựng nhà chân núi, đóng cửa đọc sách, đọc hết bách gia chư tử", "ngày đêm miệt mài, tiếc từng giây từng phút", "quên ăn quên ngủ, không lúc nào ngơi", hiến dâng cả cuộc đời cho mục đích cao cả: "mong đời hết bệnh kéo dài ngày xuân". Ba mươi tuổi ông mới gặp cơ duyên đến với nghề thuốc, đó là lần ốm nặng chạy chữa nhiều nơi không khỏi, ông tìm đến lương y Trần Độc ở Rú Thành, tỉnh Nghệ An chữa bệnh. Trong hơn một năm dưỡng bệnh, khi có điều kiện, Lê Hữu Trác thường mượn sách thuốc của thầy Trần Độc để đọc và nhanh chóng tiếp thu, thấu hiểu, nắm bắt hầu hết những gì trong sách. Thấy Lê Hữu Trác là người sáng dạ, có duyên với nghề y dược, lương y Trần Lộc đã tâm huyết truyền nghề cho ông. Vốn là người thông minh, học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y có thể giúp đời, giúp người, nên quyết chí theo nghề thầy thuốc... Nhờ thế mà chúng ta có được đại danh y suốt 300 năm qua lừng danh tên tuổi. Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương "Học tập suốt đời" thắp sáng lên chân lý: Học tập chính là con đường để làm bung ra cái kho báu gồm rất nhiều năng lực của con người chưa được khai thác.

Nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực y dược

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực y dược của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Ông đề cao tư duy độc lập suy nghĩ, chống giáo điều, dựa trên thực tế khách quan, trung thực nhận xét để tìm ra chân lý. Ông tham khảo nhiều sách Trung y, và áp dụng một cách sáng tạo lý luận Đông y vào hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ thể con người Việt Nam. Ông vừa nghiên cứu tiếp thu di sản đồ sộ của y học dân tộc và y học Trung Quốc, vừa tổng hợp kiến thức y dược dân gian, học hỏi kinh nghiệm các thầy thuốc đương thời, soi chiếu, chiêm nghiệm thực tiễn hành nghề của bản thân để từ đó đúc kết y lý, y thuật, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nhằm thực hiện hoài bão "chữa bệnh cứu người".

Học thuyết Mệnh Môn Hỏa của Hải Thượng Lãn Ông là phát hiện mang tính sáng tạo khoa học với tư duy độc lập, thận trọng, phản biện, và kết luận vững chắc. Học thuyết là một thành tựu y học tiến bộ thời Trung đại Việt Nam, mà y học phương Tây với những phương tiện y học hiện đại đến Thế kỷ XX mới phát hiện và phân tích cận lâm sàng, với tên gọi là "Tuyến thượng thận".

Hải Thượng Lãn Ông đặt cho mình trách nhiệm rất cao: đem khoa học phục vụ đời sống, sống vì con người và hành động vì con người. Triết lý chữa bệnh của ông là "còn nước còn tát", chữa chạy đến cùng, quyết liệt đối đầu với cái chết, không trốn tránh bệnh khó nhằm đề phòng tổn hại thanh danh như người khác, không chấp nhận sự ngụy biện: "chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh". Trong hành nghề, ông luôn cẩn trọng thẩm tra lại bệnh án để bổ cứu những thiếu sót của mình, quyết không đổ thừa cho số mệnh. Ông thận trọng xem mạch, chẩn đoán toàn diện, định bệnh rất kỹ trước khi kê đơn; lấy tăng cường sức khỏe đề kháng của bệnh nhân làm cơ sở nhưng cũng kiên quyết công tà bằng liều thuốc mạnh khi cần. Ông nghiên cứu lâm sàng kỹ càng, thấu đáo, ghi chép hồ sơ bệnh án tỉ mỉ, trung thực, nghiêm cẩn đối với những bệnh nhân chữa khỏi cũng như những bệnh nhân bị tử vong, sau đó trao đổi, tranh thủ ý kiến của đồng nghiệp, làm cơ sở củng cố tài liệu tham khảo về y lý, y thuật cho đời sau. Tổng hợp các kiến thức cổ kim, kết hợp lý luận cổ điển và kinh nghiệm dân gian, thuốc Bắc và thuốc Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã xây dựng một hệ thống lý luận và nguyên tắc chữa bệnh làm kim chỉ nam cho công tác trị bệnh trong các trường hợp bệnh khó chữa và bệnh thông thường của nhân dân. Ông đã sưu tầm, phát hiện và bổ sung thêm nhiều công hiệu của hơn 300 vị thuốc Nam, thu thập được gần 3 nghìn phương thuốc trong dân gian và của các bậc thầy Đông y trước đó. Sau bao năm tìm tòi nghiên cứu và thực tiễn hành nghề chữa bệnh cho nhân dân, Lê Hữu Trác đã đúc kết tinh hoa của y học cổ truyền, để lại cho nền y học Việt Nam bộ y thư vô giá: "Hải Thượng y tông tâm lĩnh"- một công trình lớn nhất thời phong kiến trong lịch sử nước ta về y học.

"Bách khoa thư" y học vĩ đại

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, tiêu biểu là bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh", được coi là Tập đại thành lớn nhất về y dược học cổ truyền Việt Nam mang tính đại diện y dược học cổ truyền Phương Đông, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế; là "Bách khoa thư" y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại, mãi còn nguyên giá trị. "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" gồm 28 tập/ 66 quyển, kết tinh và tỏa sáng một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn và một tâm hồn lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, trở thành di sản quốc gia, được giới thiệu, phổ biến và là đề tài nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sĩ, Đức, Nga và nhiều quốc gia khác. Tác phẩm y học vô giá này đã toát lên sự vận dụng sáng tạo và phát huy cao độ những thành tựu của nền y học dân tộc cổ truyền, y học Phương Đông, xây dựng một hệ thống của toàn bộ lý, pháp, phương, dược trong cách chữa bệnh cứu người của nền y học Việt Nam. Có thể nói "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" không chỉ là tinh hoa của y dược cổ truyền Việt Nam mà còn là tinh hoa của y học nhân loại.

"Hải Thượng y tông tâm lĩnh" đề cập toàn diện, từ phòng bệnh đến trị bệnh, từ lý luận tới thực hành, từ y đến dược, từ thuốc nước ngoài đến thuốc dân tộc, gồm đủ nội khoa, ngoại khoa, phụ, sản khoa, nhi khoa, đậu, sởi và phần thuốc Nam phong phú, tích luỹ một kho tàng kinh nghiệm quý báu của nhân dân. Ngoài việc phát huy nền vệ sinh y dược cổ truyền, ông đã có những sáng tạo độc đáo về phương pháp và đường hướng trị liệu các bệnh ngoại cảm, bệnh trẻ em và bệnh khó khăn phức tạp, tự ông sáng chế cho phù hợp với cơ thể, bệnh tật người Việt Nam và khí hậu Việt Nam khi ấy; Ông nắm bắt quy luật vận động của vũ trụ càn khôn để lý giải phản ứng lý hóa, biến thiên của sự vật, tâm lý, khí chất của người bệnh, lựa thời tiết, vận khí, vận hành của tạng phủ mà quyết định ngày bào chế thuốc, giờ uống thuốc, giờ châm cứu, trị bệnh.

"Bách khoa thư" Hải Thượng y tông tâm lĩnh trở thành một trước tác kỳ công của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; là sản phẩm của sự kết hợp tuyệt diệu của một tâm hồn cao thượng với trí tuệ khoa học mà những kiến thức, sự uyên bác và phương pháp luận của nó là kim chỉ nam cho hoạt động của các thế hệ các thầy thuốc. Ông đã nghiên cứu, phân tích, giải thích các sách kinh điển của những bậc danh y tiền bối. Đây là một công trình có qui mô và tầm vóc lớn, không đối với đương thời mà với cả lịch sử phát triển khoa học của đất nước. Trong bộ sách bao gồm cả các sáng tác văn học, những thành quả nghiên cứu y học, cơ sở triết học với những quan niệm về xã hội và đạo đức. Sự lồng ghép này mang đậm tính nhân văn với sự hoà quyện y đạo, y lý và y thuật trong một bố cục chặt chẽ trên nền tảng các vấn đề của y học.

Nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại

Không chỉ là đại danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tinh thần, tư tưởng lớn của ông về y đạo thông qua y đức, y lý và y thuật đã có tầm ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng trong khu vực và quốc tế.

Lê Hữu Trác để lại hàng trăm bài thơ, phần lớn là các bài thơ theo thể thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú, tứ tuyệt, văn biền ngẫu. Mảng thơ mang tính diễn ca bằng chữ Hán và chữ Nôm giàu vần điệu, nhạc điệu, dễ nhớ, dễ đọc. Mục đích sáng tác cuả ông là để chuyển tải nội dung y học, vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh, thể hiện rõ nét trong tập thơ "Y lý thâu nhàn lý ngôn phụ chí" (Phụ chép những bài vần vè làm khi chữa bệnh rảnh rỗi).

Đáng chú ý là mảng thơ trữ tình, giàu cảm xúc của Lê Hữu Trác. Đây là những áng thơ mang đậm dấu ấn của nghệ thuật thi ca. Có bài khơi dậy nét giao hòa giữa cảnh vật và tình người, có bài phảng phất nét u buồn thanh tịnh. Thơ Lê Hữu Trác đa dạng về thủ pháp: cảm tác, tự thuật, đề vịnh, ngẫu cảm/ tức cảnh si tình, xướng họa, đối đáp. Phần lớn các bài thơ tả cảnh của ông thể hiện tình cảm gắn bó với thiên nhiên, muốn hòa vào thiên nhiên để giải thoát mình khỏi xã hội nhiễu nhương, ô trọc. Đồng thời thơ cũng là suối nguồn tuôn chảy nỗi niềm của một trí thức luôn nặng lòng trách nhiệm với đời. Mê đắm cảnh sắc thiên nhiên không phải là cảm hứng chủ đạo trong thơ Lê Hữu Trác. Ông chỉ mượn cảnh ngụ tình, giãi bày tâm sự. Từ cảm hứng trước thiên nhiên, vạn vật mà liên tưởng đến con người, nhân thế. Ông ít dùng điển tích. Ý thơ sâu lắng, ngôn từ dung dị. Thơ viết về thiên nhiên của ông không khoa trương, sáo mòn mà khơi mở sâu xa về tâm cảm.

Về văn xuôi, Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh đô), quyển 66 trong bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" đã đưa Lê Hữu Trác vào hàng các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Tác phẩm đã tái hiện chân thực bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII sắc nét và sinh động. Thượng kinh ký sự vừa như một tác phẩm độc lập, vừa như là phần kết "vĩ thanh" có chủ ý của Lê Hữu Trác trong bộ "bách khoa thư" Hải Thượng y tông tâm lĩnh.

Năm 1781, chúa Trịnh Sâm vời ông ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. "Thượng kinh ký sự" là những ghi chép về chuyến đi này. Cuốn sách phản ánh sự thực lịch sử về xã hội phong kiến thời bấy giờ, từ cuộc sống của vua chúa, đến cách giao du của tầng lớp công khanh nho sĩ. "Thượng kinh ký sự" như cuốn phim tư liệu về kinh thành Thăng Long cách đây gần 250 năm, trong đó có nhiều di tích nay không còn nữa; một thiên phóng sự độc nhất vô nhị, tái hiện chân thực những điều mắt thấy tai nghe và hiện thực xã hội Đại Việt thoái trào thời Trung đại, với biết bao biến cố nội cung, nội quốc. Đây thực sự là một kiệt tác du ký, một pho sử liệu vô giá cho hậu thế; là tập ký sự xuất sắc sau Hoàng Lê nhất thống chí.

Về phương diện một nhà tư tưởng, minh triết y nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông là sự hội tụ tinh hoa của tam giáo đồng nguyên: Đạo đức, nhân cách Nho gia, thâm tâm Phật gia và vô vi Lão gia. Y đức, y lý, y thuật là tinh hoa của y đạo, lấy y đạo làm kim chỉ nam, gốc rễ, cội nguồn cho y nghiệp đơm hoa kết trái.

Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà khoa học lỗi lạc mà còn là một nhà tư tưởng lớn vượt thời đại. Ông phát hiện lý luận Kinh dịch có tác dụng chỉ đạo lý luận Đông y. Học thuyết Đông y vận khí tương thông với khí quẻ (quái khí), nhất là, tác dụng chỉ đạo của học thuyết âm dương, ảnh hưởng tư duy lý luận của Chu dịch đối với Đông y.

Âm dương không chỉ là linh hồn của Chu dịch mà còn là lý luận của Đông y và trung tâm tư tưởng của thực tiễn. Từ nhận thức đó và từ sự quan sát người bệnh, Lê Hữu Trác cho rằng cơ thể con người và sự vật phải giữ âm dương ở thế cân bằng thì mới có thể phát triển được bình thường. Thầy thuốc phải điểu hòa được âm dương cho người bệnh; Ông nói: "Dương làm hại âm thì tinh huyết khô cháy, âm làm hại dương thì thần khí lặng tắt. Phàm trăm bệnh của người ta không gì là không do âm dương chệch nhau, điều đó quan hệ đến sống chết".

Lê Hữu Trác quan tâm đến vấn đề thể xác và tinh thần. Theo ông, thể xác quyết định tinh thần, tinh thần phụ thuộc vào thể xác, tư tưởng tình cảm có nguồn gốc cơ thể sống. Lập trường đó của ông là lập trường duy vật, Ông nói: "Thất tình (buồn, vui, mừng, giận, yêu, ghét, dục vọng) là thuộc loại vô hình, nhưng cũng do hữu hình mà ra. Mặt khác, tinh thần cũng tác động lại thể xác, tinh thần thái quá cũng gây bệnh cho cơ thể".

Ông dứt khoát loại bỏ quan niệm mệnh trời: "Sức người ta có thể thay được số trời, tương lai chưa đoán trước được thế nào". Tư duy thực tế và sáng tạo của Lê Hữu Trác đã phản bác tư tưởng mệnh trời, nhằm phát huy năng lực của sức người chữa trị cho bệnh nhân.

Lê Hữu Trác rời bỏ chốn hư vinh trở về quê mẹ sống ẩn dật để chữa bệnh cứu người, cứu đời theo tư tưởng duy vật biện chứng của thuyết âm dương ngũ hành, mong trọn đạo làm người, vì vậy khi Quận Huy vời ông lên Kinh để chữa bệnh cho Thế tử, trước cơ hội được thăng quan tiến chức trong triều, ông lại hối tiếc: "Tôi chỉ ân hận, sao mình đã đi ở ẩn mà còn chưa ẩn cho kín". Đây thật là một tư tưởng hiếm có ở các nhà nho đương thời.

"Bách khoa thư" y học đồ sộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" chứa đựng một hệ thống những tư tưởng triết học hết sức sâu sắc. Tiêu biểu là những tư tưởng triết học trong "Phụ đạo xán nhiên"- bàn về cách chữa các chứng bệnh của phụ nữ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một cuốn sách được viết ra dành riêng cho phụ nữ. Một hiện tượng chưa từng có trong lịch sự phát triển lâu dài của hệ tư tưởng nho giáo trước đó ở Việt Nam.


TS. Lê Cảnh Nhạc
Ý kiến của bạn