Hà Nội

Hai thầy thuốc nổi danh của... âm nhạc Việt

18-02-2022 07:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không chỉ giỏi chuyên môn khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, bác sĩ nha khoa Nguyễn Ngọc Thiện còn là các nhạc sĩ nổi danh của âm nhạc Việt Nam.

Y tá Ngọc phim ‘Phố trong làng’ được nhiều người... mêY tá Ngọc phim ‘Phố trong làng’ được nhiều người... mê

SKĐS - Y tá Ngọc phim ‘Phố trong làng’ do diễn viên Ngọc Anh thủ vai tạo được sự chú ý với khán giả .

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn: Viết ca khúc không chỉ là cảm xúc, đôi khi là trách nhiệm

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175, sinh năm 1962. Ngoài công việc chính là thầy thuốc chữa bệnh cứu người, ông còn là nhạc sĩ. 

2 bác sĩ là nhạc sĩ lừng danh của âm nhạc Việt - Ảnh 2.

Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: Duy Hiệu)

Tốt nghiệp bác sĩ từ Học viện Quân y, ngay từ thời đi học, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã nổi tiếng với biệt danh "Sơn trống" bởi ông cho người ta thấy mình là một tay chơi trống sành điệu - thứ nhạc cụ đòi hỏi người chơi luôn phải sung mãn cả về năng lượng và cảm hứng. Quá trình hoạt động trong ngành y cũng là quá trình thiếu tướng – nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn sáng tác âm nhạc, đem tới cho công chúng nhiều tác phẩm giá trị.

Ông từng có các CD nhạc: Vẫn mãi màu áo trắng, Giữa trùng khơi sóngTổ quốc nhìn từ biển (với nhạc sĩ Quỳnh Hợp); Sức sống Trường Sa. Nhiều bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn được ghi nhận tại Hội diễn toàn quốc với các Huy chương Vàng như Màu áo anh mang (1981), Đời 201 (1997), Hai lần hồi sinh (2003), Khúc quân hành bệnh viện 175 (2005)...

Ngoài ra, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn có Trò chuyện với dòng sông phổ thơ Trần Thế Tuyển (Huy chương Vàng Hội diễn lực lượng vũ trang - sinh viên TP.HCM năm 2012), Rock đồng hồ cát, Có những tuổi 20 như thế (phổ thơ Trần Văn Giang), Huệ đỏ (thơ Trương Hòa Bình) đạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

2 bác sĩ là nhạc sĩ lừng danh của âm nhạc Việt - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn thời đi học đã nổi tiếng với biệt danh "Sơn trống"

Tháng 7/2021, trên nền bài thơ của tác giả Trương Hòa Bình, thiếu tướng – nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã phổ nhạc thành ca khúc Thương nhớ Sài Gòn, sau đó ca sĩ Vũ Thắng Lợi thực hiện MV nhạc cùng tên, tạo được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Thương nhớ Sài Gòn là ca khúc nói lên tiếng lòng của người yêu Sài Gòn trong bối cảnh thành phố đang trải qua những ngày gồng mình chống đại dịch COVID-19 năm 2021.

Bắt đầu bằng ký ức về một Sài Gòn với tiếng rao đêm, góc phố, ánh đèn và những con đường lá me trải thảm…, sự dung hòa giữa thơ và nhạc đã gợi nhắc những năm tháng hào hùng của thành phố hoa lệ. Và những khoảnh khắc lịch sử ấy sẽ là niềm tin, động lực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

"Chúng tôi hy vọng ca khúc này như món quà động viên tinh thần người dân và thành phố, mong cho tất cả chúng ta sớm kiểm soát được dịch bệnh", bác sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ khi ca sĩ Vũ Thắng Lợi ra mắt MV Thương nhớ Sài Gòn.

Ca sĩ Thanh Lam hát Vẫn mãi màu áo trắng của thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn trong chương trình Giai điệu kết nối.

Đối với thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, âm nhạc là giải pháp hữu hiệu để thư giãn, giải tỏa. Ông chia sẻ: "Việc viết ca khúc đối với tôi không chỉ là cảm xúc, sở thích mà đôi khi còn là trách nhiệm. Trách nhiệm của người lính, người thầy thuốc, người thầy giáo, người quản lý... và giản đơn nhất là trách nhiệm chia sẻ giữa con người với con người. Đôi khi tôi thầm cảm ơn những may mắn và ưu ái mà cuộc đời đã dành cho tôi".

Nhạc sĩ – bác sĩ nha khoa Nguyễn Ngọc Thiện: Âm nhạc đầy niềm lạc quan, yêu đời

Nổi tiếng trong nền âm nhạc Việt gần nửa thế kỷ qua có nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, tác giả của những ca khúc quen thuộc với công chúng như Ơi cuộc sống mến thương, Này người yêu nhỏ xinh, Nắng xuân, Người mẹ, Ngọn lửa trái tim, Người yêu nhé, Cô bé dỗi hờn, Thôi em hãy về, Ngày đầu tiên đi học, Nhớ ơn thầy cô… Năm 2012, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.

2 bác sĩ là nhạc sĩ lừng danh của âm nhạc Việt - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vốn là bác sĩ nha khoa.

Ít ai biết, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vốn là bác sĩ nha khoa. Sinh năm 1951, ông đam mê âm nhạc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đến khi thành sinh viên trường Y và tới tận bây giờ. Thuở học phổ thông, ông đã chơi thuần thục guitar, thổi harmonica điêu luyện.

Khi trở thành sinh viên trường Đại học Y Sài Gòn (Đại học Y Dược TP.HCM ngày nay), ông được các nhạc sĩ đàn anh là Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập động viên tích cực viết nhạc. Năm 1976, là sinh viên năm cuối y khoa, Nguyễn Ngọc Thiện viết ca khúc Ơi cuộc sống mến thương và bản nhạc này nổi tiếng từ đó đến tận ngày nay.

Sau khi tốt nghiệp trường Y, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện từng kinh qua nhiều nghề khác nhau như phát hành báo, chụp ảnh minh họa… Năm 1984, Nguyễn Ngọc Thiện được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TW TP.HCM với tư cách bác sĩ nha khoa. Gắn bó với nghề y, tác giả ca khúc Ngọn lửa trái tim lần lượt trải qua các vị trí bác sĩ khám bệnh, phó khoa, rồi trưởng khoa chữa răng. Nguyễn Ngọc Thiện được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" năm 2004.

Ca khúc Triệu trái tim lên tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác trong làn sóng dịch thứ 4 tại TP.HCM năm 2021, qua tiếng hát Đinh Quang Minh và Minh Trang Lyly.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện coi âm nhạc chỉ là nghề phụ nhưng chính âm nhạc làm tên tuổi của ông. Điều đáng nói, ông rất đầu tư, nghiêm túc với âm nhạc khi theo học Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy của Nhạc viện TP. HCM. Vì lẽ đó, cùng tài năng sẵn có, các bản nhạc của Nguyễn Ngọc Thiện luôn cho thấy sự sôi động, trẻ trung, trong sáng, trữ tình, lãng mạn. Nhạc viết cho người lớn và cho cả thiếu nhi đều cuốn hút, lời dễ thuộc dễ nhớ…

Tác giả ca khúc Ơi cuộc sống mến thương bày tỏ, nhạc sĩ cũng như nghề thầy thuốc đều có chung mục đích là đem lại nụ cười, niềm tin và hạnh phúc trong cuộc sống. Làm bác sĩ nha khoa, lại thường xuyên tiếp xúc với trẻ em, mỗi khi chữa bệnh về răng cho các em nhỏ, Nguyễn Ngọc Thiện thấy hành trình cảm xúc các em từ lo lắng, sợ hãi đến vui tươi khi được chữa khỏi. "Bởi thế mà tôi luôn muốn viết ca khúc lạc quan, trẻ trung để người bệnh đến với tôi sẽ hết bệnh và vui vẻ trở lại", nhạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Bài hát Ơi cuộc sống mến thương được ca sĩ Kimmese và Tam ca PKL thể hiện trong chương trình Giai điệu tự hào 2016.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP.HCM  vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lần lượt sáng tác và giới thiệu 6 ca khúc, đó là: Triệu trái tim lên tiếng, Đôi mắt cười, Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng, Xin (thơ Lâm Xuân Thi), Mỉm cười thì sẽ qua, Bớt dịch rồi mình hẹn hò nhau nhé.

Theo đánh giá của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, chùm ca khúc về đề tài phòng, chống COVID-19 của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đa số theo phong cách pop nhẹ nhàng, trẻ trung, lời ca trong sáng, nhiều màu sắc, dễ đi vào lòng công chúng, nhất là giới trẻ. Bằng sự lạc quan, yêu đời của mình, Nguyễn Ngọc Thiện đã động viên mọi người hãy vững vàng trong mùa dịch và nghĩ về điều tốt đẹp phía trước.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, 6 ca khúc kể trên được ông "gom" lại để làm album có tên gọi Mỉm cười thì sẽ qua. Album sẽ do hai ca sĩ Đinh Quang Minh và Minh Trang Lyly thể hiện.

Ca sĩ Cát Tiên "mãi đợi một người" ở đường sắt Cát Linh - Hà ĐôngCa sĩ Cát Tiên 'mãi đợi một người' ở đường sắt Cát Linh - Hà Đông

SKĐS - ‘Có ai mãi đợi một người’ là một bản pop ballad đẹp được quán quân Giọng hát hay Hà Nội – ca sĩ Cát Tiên thể hiện, vừa ra mắt công chúng.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn