Hai Tết cuối ở Trường Sơn

09-02-2019 09:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những ngày lính xa nhà đã lùi xa bao năm. Nhưng mỗi mùa xuân đến là lại nhớ. Ðấy là hai Tết cuối ở Trường Sơn. Ðấy là Tết Giáp Dần 1974 tại thung lũng A Sầu - A Lưới. Ðấy là Tết Ất Mão 1975 tại cao nguyên Kon Tum.

A Sầu - A Lưới là hai địa danh nằm trong thung lũng A So - một bể sương mù của Trường Sơn Bắc. Mùa xuân Giáp Dần 1974 đã về trên những cánh rừng cây chết bởi chất độc màu da cam. Nơi quê hương nữ anh hùng Kan Lịch bao năm giành giật với kẻ thù, nay đã yên vui một vùng giải phóng. Buổi sáng, nắng kẻ những đường chéo cắt ngang dải núi còn phủ kín sương mù. Những đường kẻ dần vạch hết màn sương. Nắng sà vào lòng thung tưới đẫm đồi tranh ươm màu vàng huyền diệu. Đồi tranh vàng xuộm gợi ta nhớ khôn nguôi những vụ mùa đồng quê. Bông tranh trắng lay lắc lòng ta rười rượi. Thiên nhiên đẹp ngỡ không hát nổi. Năm ấy, đội khảo sát thông tin chúng tôi ăn Tết ngay tại chân dốc Bò Lạch - biên giới giữa Trường Sơn Nam và Trường Sơn Bắc. Biên giới róc rách nguồn suối chảy mang tên A Sáp. Chưa bao giờ vùng rừng núi hoang vu lại bừng say cuộc sống đến thế. Bạn bè gần xa đi thăm nhau. Đồng hương, đồng ngũ đi thăm nhau. Ở đâu cũng thấy nụ cười, cũng nghe tiếng hát. Xa quê hương đi “Xẻ dọc Trường Sơn”, những người lính quần áo màu rừng quây quần gia đình lớn. Bên cạnh những mất mát, chiến tranh lại nảy nở bao tình cảm mới lớn lao.

Phút thư giãn hiếm hoi của người lính Trường Sơn năm xưa.

Phút thư giãn hiếm hoi của người lính Trường Sơn năm xưa.

Chúng tôi đón Tết thật vui. Đường Hồ Chí Minh đã thông suốt. Thật cảm động khi nhận quà Tết từ Hà Nội gửi vào. Lần đầu tiên ở Trường Sơn ăn Tết có su hào, bắp cải, cà chua... Những bao thuốc lá Tam Đảo, Trường Sơn như người thân lâu ngày gặp lại. Đêm Giao thừa, tất cả ngồi quanh “Cây hoa dân chủ”. Có gì phấn chấn trào lên giữa rừng sâu hoang dã. Người độc tấu, người hát dân ca, người ngâm thơ nối nhau liên tiếp. Cây guitar bị vỡ vì mảnh bom hồi nào vẫn được tấu lên những hợp âm xốn xang lạ. Mấy người lính già rủ nhau nhảy “Mí đồ đồ thịt chó chấm tương...” ngả nghiêng giữa lính trẻ. Đúng là “thương nhau, thương nhau biết mấy” như câu thơ Bùi Minh Quốc. Đám rẫy trước mặt ai đốt từ ban chiều có cây khô bén lửa. Gió khuya thổi hắt từng đợt. Cây khô bắn tung tóc tàn lửa như pháo hoa.

Sáng mồng Một chợt nhớ nhà da diết. Không biết mọi người thân quây quần ăn Tết ra sao. Nhớ quặn lòng người yêu phương xa. Em giờ có nhớ ta chăng hay đã vui vầy với một người khác. Thấy tôi bần thần, Tham mưu phó trung đoàn Trần Huy Hiệp đến ngồi bên lặng lẽ. Có lẽ anh cũng nhớ nhà như tôi. Rồi bất chợt anh đọc chậm từng câu thơ. Đấy là một bài thơ của nhà thơ Đức nổi tiếng Béc-tôn-Brếch mà hồi đi du học, nhớ người yêu (bây giờ là vợ anh), anh đã phỏng dịch thành bài song thất lục bát:

Tàu đi ngoái lại quê hương

Giã từ đất nước mến thương vô vàn

Xa xanh thảm cỏ mịn màng

Thuở em thơ ấu lòng càng

bâng khuâng

*

Gió nồm đuổi bắt quanh chân

Ngồi đây tôi hát thương cây nhớ cỏ

Ôi bướm vờn trên mái tóc thơ

Mao cương chắc đã ra hoa

Tùng anh bây giờ chắc nhú chồi non

Đất cao gợn sóng lon xon

Ai kia ngồi đó thả hồn trong mơ

*

Nõn vàng hồng phấn non tơ

Xanh giăng núi đá ven bờ con con

Nghìn năm ơi gót chân son

Của em in dấu trên non nước này

Hai anh em ôm choàng nhau, mắt ướt nỗi nhớ. Tôi vội yêu cầu anh chép bài thơ vào sổ tay, rồi ôm đàn ra bờ suối ngồi phổ nhạc đến quên cả cơm trưa.

Sáng mồng Hai Tết, sau khi ăn bánh chưng, uống trà hồng đào, tôi hát bài thơ phổ nhạc cho cả đội nghe. Cả đội đang nghe say sưa thì thấy ngoài sân rộng trước lán ầm ầm mấy chiếc “zin ba cầu” lao vào. Xe tắt máy thì trên thùng bao nhiêu lính ào xuống. Họ đều là những người lính Hà Nội ở trong thung lũng nhiều năm. Nghe nói có lính Hà Nội biết chơi đàn guitar nên tìm đến thưởng thức. Quả là một buổi biểu diễn quá ngoạn mục giữa Trường Sơn. Theo yêu cầu của khán giả, tôi chơi Vũ khúc Tây Ban Nha rồi Bài ca hy vọng. Vui lên, tôi hát luôn cả bài thơ mới phổ nhạc - Đội trưởng đã mang ra mấy chai Lúa Mới định để dành uống dần. Có khách đến, mang ra chơi luôn. Thế là hòa tan vào nhau. Hòa tan nụ cười, hòa tan ánh mắt, hòa tan giọng hát.

Cuối đông 1974, đường dây trần thông tin quân sự chiến lược như con trăn khổng lồ đã trườn xuyên Trường Sơn đang lao vào đến Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên. Lúc ấy, mới bắt đầu chớm mùa khô. Vẫn còn nhiều đoạn ta luy dương sạt lở. Nhiều đoạn, bùn lầy còn lệt bệt. Ở các ngầm lớn, nước sông dâng khá mạnh. Những người lính vẫn liên tục hành quân bộ.

Vượt sông Bung, chúng tôi nhanh chóng tụt xuống Bến Giằng. Con sông Giằng mùa mưa vừa qua nhưng nước vẫn mênh mang. Mũi tên màu đỏ cắm giữa ngã ba đường chỉ thẳng hướng vào Tây Nguyên như một lời thúc giục. Trời đã vào kỳ buốt lạnh. Nhưng cánh lính vẫn lên đường từ mờ sớm. Dự cảm cuốn theo suốt dọc đường. Lính thì thầm mùa khô tới sẽ nhổ Kon Tum trước. Lại có lời đồn rằng đánh Pleiku xong mới vây Kon Tum cô lập. Đánh chỗ nào thì có “giời” mới biết. Nhưng chuẩn bị kỹ lưỡng thế này, nhất là đường dây đang lao vào đến Sở chỉ huy, không thể không đánh lớn.

Cứ đi. Rồi lại đi. Từng ngày qua từng ngày. Những ngọn núi đầu tiên của Tây Nguyên đã hiện ra. Mùa mưa đã lùi hẳn lại sau lưng. Mùa khô thực sự đến. Những tảng đất sụp lở, sục bùn khô nhanh rồi tan rã thành bụi trong nắng. Bụi ngụt lên. Bụi đỏ nhòa lá đỏ. Dự cảm chứa chất trong mùa mưa. Dự cảm bốc cháy vào mùa khô. Nắng lau nhanh ướt át trên khuôn mặt của rừng. Các mắt lá ngước nhìn xanh hy vọng. Gió. Gió lồng lên phóng khoáng. Đã băng qua thung lũng Khâm Đức ngút ngàn ngô xanh, chúng tôi vượt “cua hai đỏ”, dốc tức “Lò xo”, xuyên rừng thông Đăk Pek dằng dặc ẩn dật. Sông Pô kô đã chảy ngang trước mắt. Mùa khô, nước Pô kô cạn, thấy cả đá lô nhô dưới lòng sông. Con sông cùng người lái đò A Sanh đã chảy vào bài hát suốt thời sinh viên, bây giờ tôi mới gặp. Càng đi, càng thấy yêu đất nước vô cùng. Trường Sơn thân thuộc đã ngấm vào tâm hồn lính chiến trường. Mùa xuân đã ríu rít tin chiến thắng Phước Long trong tiếng chim hót của đại ngàn vùng Đăk Công, cách thị xã Kon Tum không xa. Đường dây đã dựng cột chung kết trước Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên. Một sự kiện lớn trong đời binh nghiệp khởi đầu của tôi. Đêm ấy, không ngủ được. Một giai điệu mùa xuân mang âm hưởng Tây Nguyên như tiếng chim ríu rít mỗi sớm, đã lan tỏa trong tôi. Và ca khúc Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên đã nhanh chóng được hoàn thành.

Tôi được giao nhiệm vụ  thành lập gấp một đội tuyên truyền văn hóa. Toàn con trai. Đêm Giao thừa là đêm báo cáo chương trình của đội. Rừng Đăk Công âm vang tiếng hát của lính. Sau báo cáo chương trình, chúng tôi quây quần bên nhau ăn thịt lợn rừng nướng. Bì lợn rừng bó giò sao mềm mà ngon đến vậy. Canh sườn lợn rừng ninh sắn núi thơm lạ. Rượu cần uống mềm môi đêm.

Buôn Ma Thuột thất thủ ngay sau Tết Ất Mão 1975 ít lâu. Đòn điểm huyệt khiến đối phương bỏ Tây Nguyên rút chạy. Tiếng hát chúng tôi cùng mùa xuân loang rộng, bay xa trên khắp Tây Nguyên vừa giải phóng. Đêm nào Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên cũng được vỗ tay hát lại: “Mừng mùa xuân hân hoan trên Tây Nguyên - Mừng đường dây ta băng qua Tây Nguyên - Mang chiến công về - Trên đất anh hùng - Của Ma Trang Lơn”.


Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Ý kiến của bạn