Nổi tiếng và tai tiếng
Thomas Midgley.
Thomas Midgley tên đầy đủ là Thomas Midgley Jr. (1889 - 1944) là một kỹ sư cơ khí hóa chất người Mỹ, nổi tiếng với hai phát minh về nhiên liệu là xăng pha chì (Tetraethyllead) và hóa chất chlorofluorocarbons (CFC) hay còn được biết đến với tên thương phẩm là Freon. Cả hai sản phẩm sau đó đều bị cấm do tác động gây hiệu ứng khí nhà kính, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Thomas Midgley từng tốt nghiệp khoa kỹ sư cơ khí Đại học Cornell năm 1911. Năm 1916, ông làm việc tại phòng nghiên cứu thí nghiệm Delco của Tập đoàn General Mortors (GM) dưới sự quản lý của Charles Kettering. Nhiệm vụ của Midgley là nghiên cứu, giải quyết vấn đề tiếng ồn của động cơ. Mặc dù khi còn sống, Midgley nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng, 117 bằng sáng chế trong suốt sự nghiệp nhưng các nghiên cứu của ông, đặc biệt là hai hợp chất mà Midgley phát minh dùng cho ô tô và tủ lạnh đời đầu gây “hại nhiều hơn lợi” cho nhân loại.
Chính ông lại là nạn nhân của các nghiên cứu, ông bị nhiễm độc chì khi đổ xăng pha chì lên hai tay và hít xăng chứa chì trong 60 giây tại một cuộc họp báo để chứng minh cho thấy nhiên liệu mà ông phát minh là an toàn. Vào cuối đời, Midgley còn vướng vào một phát minh khác, hệ thống dây thừng và ròng rọc nâng cơ thể khi ông đang nằm trên giường vì bại liệt đã khiến ông ngạt thở dẫn đến tử vong vào ngày 2 tháng 11 năm 1944.
Sự ra đời của xăng pha chì
Xăng pha chì ra đời là cú hích đối vối ngành công nghiệp ô tô, song mặt trái của nó gây hại cho con người.
Sở dĩ những năm đầu thế kỷ 20, xăng pha chì được quan tâm vì các hợp chất chì trong xăng có vai trò tăng cường hiệu suất động cơ. Sau thời gian dài nghiên cứu, Midgley phát hiện thấy bổ sung phụ gia nhiên liệu chì tetraethyl (TEL) vào xăng thì tiếng ồn sẽ biến mất, đồng thời làm tăng tốc và hiệu quả của động cơ.
Phát hiện trên của Thomas Midgley được công bố ngày 9/12/1921, sau hơn 5 năm thử nghiệm từ hàng trăm chất phụ gia khác nhau.
Từ năm 1924 xăng pha chì bắt đầu thịnh hành và chiếm lĩnh thị trường. Từ đây phụ gia TEL không ngừng bị lạm dụng, lợi nhuận của Tập đoàn GM tăng vọt. Đáng tiếc, khi lợi nhuận GM tăng cũng là lúc sức khỏe người dân Mỹ đi xuống, khiến dư luận gọi xăng pha chì là “kẻ giết người thầm lặng”.
Cuối năm 1924, tại một nhà máy thí nghiệm ở New Jersey, 5 công nhân bị thiệt mạng và 35 người có triệu chứng ngộ độc chì như run rẩy, lờ đờ, mệt mỏi và xuất hiện ảo giác. Năm 1975, chính phủ Mỹ chính thức cắt giảm hàm lượng chì tetraethyl trong xăng. Đến năm 1986 cấm toàn bộ sử dụng xăng pha chì. Tại châu Âu, xăng pha chì đã bị cấm sử dụng vào đầu năm 1990. Tính đến năm 2017, loại xăng pha chì chỉ được sản xuất ở vài nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nhiễm độc chì vẫn còn tồn tại ở các khu vực mà xe cộ vẫn dùng xăng pha chì.
Sự ra đời của khí CFC
Sáng chế gây rắc rối tiếp theo của Midgley là chlorofluorocarbon hay CFC hoặc Freon. Vào cuối những năm 20 ở thế kỷ trước, các hệ thống điều hòa không khí và làm lạnh thường sử dụng các hợp chất như amoniac (NH3), chloromethane (CH3Cl), propane và sulfur dioxide (SO2) làm môi chất làm lạnh. Mặc dù hiệu quả, song lại rất độc hại và dễ cháy nổ. Để khắc phục, Phân ban sản xuất tủ lạnh Frigidaire của GM đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, tìm kiếm hóa chất không độc, không cháy nổ để thay thế môi chất làm lạnh nói trên. Kettering, Phó chủ tịch của GM cùng với Midgley và Albert Leon Henne phát triển một hợp chất mới thay thế.
Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp dichlorodifluoromethane, chlorofluorocarbon (CFC) đầu tiên được nhóm đặt tên là Freon. Hợp chất này ngày nay được gọi là Freon 12 hoặc R12. Freon và các CFC khác sớm thay thế các chất làm lạnh khác, và sau đó xuất hiện nhiều trong các ứng dụng tương tự, như chất đẩy trong bình xịt khí dung và thuốc hít hen suyễn. Năm 1930, dichlorodifluoromethane chính thức được thương phẩm với tên gọi là Freon-12, chất CFC đầu tiên trên thế giới. Freon trở nên phổ biến và được dùng trong sản xuất tủ lạnh, các thiết bị làm lạnh và bình xịt. Một lần nữa, tên tuổi Thomas Midgley lại được ca ngợi ngất trời, được trao tặng Huân chương Priestley danh giá vào năm 1941, sau đó ông còn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS). Tuy nhiên cả CFC lẫn xăng pha chì đều gây hại cho tầng ozon. Ngày nay những phát minh của Midgley vẫn còn nhiều hệ lụy, gây khí hậu biến đổi, xáo trộn thời tiết và nhiều mối nguy khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người và muôn loài.