Đổi đời trên vùng đất cằn cỗi nhờ măng tây
Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi đã về thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận để ghi nhận sự đổi thay của vùng đất cằn cỗi, được nhiều người ví như sa mạc này.
Theo lời kể của người dân nơi đây, ngày trước đất ở Tuấn Tú chỉ là cát trắng, rất khô nên bà con thường đi làm thuê, cuộc sống bấp bênh, ăn bữa nay phải chạy lo bữa mai.
Thế nhưng, sau thời gian dài mày mò, thử nghiệm, người dân đã phát hiện ra cây măng tây thích hợp với vùng đất này.
Ông Nạo Văn Xây ở thôn Tuấn Tú kể: "Khoảng chục năm về trước, vùng đất cằn cỗi Tuấn Tú chỉ có xương rồng và cát trắng nên bà con khó trồng được loại cây nào. Ngày đó gia đình tôi cũng vậy, chỉ biết quần quật đi làm thuê cho người ta nên chỉ đủ ăn qua ngày. Nhưng hiện nay, cây măng tây đã giúp bà con chúng tôi đổi đời. Cứ mỗi ngày đi hái măng tây là có thu nhập 200-300 ngàn đồng, những ngày áp Tết thì mỗi ngày bán được tiền triệu".
Theo ông Xây và nhiều hộ dân ở thôn Tuấn Tú, trồng măng tây ít tốn công chăm sóc, bón phân, ít phải phun thuốc, khi có sâu bệnh dùng chế phẩm sinh học xịt nên rất an toàn.
"Hầu hết bà con thôn Tuấn Tú đã thoát nghèo, những căn nhà kiên cố dần thay chỗ cho nhà xập xệ. Cuộc sống bà con đã bớt vất vả, con cái được đến trường học tập đầy đủ" – ông Xây vui mừng thổ lộ.
Là người tiên phong trồng măng tây ở thôn Tuấn Tú, ông Hùng Ky kể: "Lúc đầu sợ đất cằn cỗi nên nhà tôi chỉ trồng thử 4 sào. Sau 8 tháng, măng tây bắt đầu cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày và thích nghi được với vùng đất này nên tôi đã mở rộng diện tích lên đến 2,4 héc-ta.
Hiện nay, mỗi dịp cuối năm, áp Tết là thu nhập từ tiền bán măng tây của gia đình tôi lên đến hàng chục triệu đồng, đủ cho gia đình sắm sửa Tết thoải mái. Nếu tính tổng thu nhập cả năm thì khoảng gần 400 triệu đồng".
Theo ông Ky, mỗi héc-ta trồng măng tây, đầu tư ban đầu khoảng 30 - 40 triệu đồng để mua hạt giống về ươm, khoảng hơn hai tháng sau, cây măng tây có chiều cao khoảng 30cm thì bứng đưa đi trồng với mật độ hàng cách hàng từ 1,3-1,5m; cây cách cây 30cm. Loại cây này cho thu nhập cao gấp nhiều lần các loại hoa màu khác.
Đưa nước về vùng đất cằn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, sau khi cây măng tây bén rễ trên vùng đất Tuấn Tú thì một Hợp tác xã chuyên trồng măng tây đã hình thành tại đây đó là Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú.
Hợp tác xã này vừa thu mua sản phẩm của xã viên, vừa liên kết với một số doanh nghiệp tại địa phương để tiêu thụ măng tây với giá ổn định 50.000 đồng/kg.
Đến nay, thành viên hợp tác xã có 84 người, diện tích trồng cây măng tây của các thành viên trong hợp tác xã là hơn 55 héc-ta. Nhờ tham gia vào hợp tác xã nên nhiều thành viên không còn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hàng chục hộ nghèo đã vươn lên làm giàu. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người tại thôn Tuấn Tú khoảng 52 triệu/người/năm.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết: "Trước đây vùng đất ở thôn Tuấn Tú là một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi, chỉ có cây xương rồng và cát trắng.
Từ những năm 2019 trở đi, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hỗ trợ cấp vốn cho dự án nông thôn tổng hợp miền Trung, trong đó có việc đầu tư 1 trạm bơm để bơm nước từ đập nước Tuấn Tú lên khu vực đất cằn thôn Tuấn Tú. Từ đó người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây măng tây. Đến nay tổng diện tích trồng măng tây của cả thôn Tuấn Tú khoảng 300ha".
Theo thống kê, dân số thôn Tuấn Tú có khoảng 539 hộ/2.445 nhân khẩu. Hầu hết người dân đều làm quen với việc trồng măng tây, xem đây là loài cây 'hái ra tiền'. Mỗi vụ thu hoạch măng tây dịp giáp Tết nhà nhà , người người đều phấn khởi, vui tươi.