Hai phương trời văn hóa trong toàn cầu hóa

11-08-2013 01:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cách đây hơn trăm năm, văn hào Anh Kipling đã thốt lên: “Ôi! Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ mãi mãi không bao giờ gặp nhau”.

Cách đây hơn trăm năm, văn hào Anh Kipling đã thốt lên: “Ôi! Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ mãi mãi không bao giờ gặp nhau”. Lời tiên tri ấy đúng hay sai? Văn hóa Đông và Tây khác biệt thế nào? Có gì tốt, có gì xấu? Để trả lời câu hỏi này, trước hết, cần thống nhất về nội hàm các từ “văn hóa”, phương Đông, phương Tây. Có thể hiểu những từ này dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trước hết, văn hóa là gì? Có đến hàng trăm định nghĩa. Từ văn hóa (tiếng Pháp, tiếng Anh là culture, tiếng Đức là Kulture, gốc tiếng La-tinh là cultura (= khai hoang, trồng trọt, trông nom cây lương thực), từ đó thành nghĩa bóng là trông nom, giáo dục, đào tạo con người về mọi mặt. Như vậy, khái niệm văn hóa đối lập với khái niệm tự nhiên, thiên nhiên (nature). Quả cà dại trong rừng thuộc về tự nhiên, quả cà người trồng đem muối để ăn, cũng như mũi kim, sợi chỉ, bài ca... do người tạo ra đều thuộc phạm vi văn hóa. Do đó, văn hóa theo nghĩa rộng là: tổng thể những thành quả (giá trị) vật chất và phi vật chất của một cộng đồng người tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử.

Với nội hàm, hai từ văn hóa (culture) và văn minh (civilisation) thường có thể dùng lẫn cho nhau. Chủ nghĩa Mác xếp những gì thuộc thế giới tinh thần vào thượng tầng kiến trúc trong phạm trù văn hóa.

“Văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng chi phối cách ứng xử và sự giao tiếp với nhau của đa số người, khiến họ thành một cộng đồng riêng biệt, khác các cộng đồng khác. Nên hiểu cộng đồng đây không nhất thiết là cộng đồng dân tộc, mà là cái tập thể lớn hay nhỏ, gắn bó với nhau về mọi mặt trong nhiều yếu tố, hệ thống biểu trưng là những tín hiệu biểu hiện những giá trị xã hội. Định nghĩa này mang tính chất nhân học văn hóa (cultural anthropology). Ông De Cuello - nguyên Tổng thư ký Liên hiệp quốc còn tóm gọn: “Văn hóa là cách con người sống cùng nhau”.

Văn hóa của một dân tộc là sản phẩm hỗn hợp của nhiều yếu tố: gen, địa lý, kinh tế, lịch sử, xã hội. Như vậy có nghĩa là mỗi dân tộc tự tạo ra một nền văn hóa riêng cho mình, các nền văn hóa dân tộc đều bình đẳng. Người châu Á ăn thịt chó, châu Âu ăn thịt ngựa, đó là hiện tượng văn hóa khác nhau, không thể phê phán nhau được. Dưới góc độ nhận xét về giá trị (jugement de valeur) thì có thể đánh giá các nền văn hóa hơn kém nhau dựa vào những giá trị nhân văn phổ biến do nhân loại tạo ra trong quá trình chuyển từ con vật thành con người: tự do, từ thiện, bình đẳng, bảo vệ môi trường...Trong khi nhận xét để đánh giá, có khi phải phân biệt văn hóa và văn minh, vì có những trường hợp hai từ đó đối lập nhau. P.Huard và Durant nhận định là “có thể một trình độ văn minh rất cao lại trùng hợp với một trình độ văn hóa tầm thường”.Văn minh được hiểu theo văn minh vật chất, cái vỏ. Còn văn hóa là cái ruột, cách sống, nội tâm, tâm linh, tư duy, cái phi vật chất. Một định nghĩa của UNESCO cũng cho nội hàm văn minh là vật chất: “Văn minh là tổng hợp những phương tiện vật chất và kỹ thuật nhằm những mục đích thực dụng của cuộc sống con người trong mối quan hệ với tự nhiên”.

Xin ngừng vấn đề văn hóa để chuyển sang vấn đề Đông Tây, cũng không kém phức tạp. Khái niệm phương Đông và phương Tây thay đổi theo góc độ địa lý, lịch sử, nhân học, dân tộc học, chính trị, kinh tế, tôn giáo. Thời Pháp thuộc, ít người nước ngoài vãng lai, dân ta coi tất cả những người da trắng từ phương Tây đến là Tây (gồm cả Mỹ, Pháp, châu Âu nói chung). Còn da đen được gọi chung là Tây đen, người Ấn Độ cuốn chiếc khăn to đùng trên đầu được gọi là Tây quấn thừng. Về mặt địa lý, khái niệm Đông Tây do người Tây Âu đặt ra: đối với họ, họ ở phía Tây so với các dân tộc khác ở phía Đông. Phương Đông này cũng được quan niệm ngày một rộng ra, theo quá trình lịch sử người Tây Âu khám phá thế giới để khai thác kinh tế và chiếm thuộc địa. Mới đầu, phương Đông đối với người Tây Âu là khu vực Đế chế La Mã phương Đông, ngay ở Đông Âu, rồi đến Trung cận Đông, viễn Đông. Trong lịch sử thế giới, phương Đông thời thượng cổ bao gồm: những nền văn minh phát triển ở bờ biển Địa Trung hải phía Đông (Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập... Trung cận Đông nói chung. Nội dung “vấn đề Đông phương” (question d’Orient) là sự tranh hùng ở Trung Nam Âu từ thế kỷ 18 đến hết chiến tranh lạnh giữa các nước Anh, Pháp, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Đế chế Thổ phải rút dần khỏi đất chiếm ở châu Âu. Về tôn giáo, thời Trung cổ, phương Tây theo đạo Ki tô chinh phạt người cận Đông theo đạo Hồi. Trong văn học lãng mạn châu Âu, từ thế kỷ 19, phương Đông là đề tài về cái xa lạ (exotisme) để thoát ly thực tại.

Hai nhà nghiên cứu Hofstede và E.Halls từ góc độ nhân học ứng xử, chia các nền văn hóa thế giới làm 2 loại: một loại đề cao cá nhân (Tây Âu và Bắc Mỹ), một loại đề cao tập thể (châu Á và các miền khác). Tạm thời có thể kết luận: phương Tây là Tây Âu, Bắc Mỹ, phương Đông chủ yếu chỉ châu Á.  

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn