Hai Phượng dự Oscar 2020: Mơ về nơi xa lắm...

27-09-2019 07:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc dù là tác phẩm thành công nhất từ đầu năm 2019 đến nay của điện ảnh Việt, tuy nhiên Hai Phượng - phim chiếu rạp của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vừa được Bộ VH-TT&DL gửi dự sơ tuyển giải Oscar 2020 tại Mỹ chưa thể nói trước điều gì. Vì từ trước đến nay, Oscar vẫn là giải thưởng điện ảnh quá tầm đối với phim Việt.

Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) vừa quyết định chọn phim điện ảnh Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt) dự vòng sơ tuyển giải Oscar lần thứ 92 tại Mỹ, hạng mục “Phim điện ảnh quốc tế”. Đón nhận thông tin này, đa số khán giả cho rằng đây là một lựa chọn hợp lý và đúng đắn vì Hai Phượng là phim chiếu rạp tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước kể từ khi ra rạp đầu năm 2019. Đây là tác phẩm có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt với 200 tỷ đồng sau đợt công chiếu, đồng thời được phát hành tại Mỹ, Canada và Trung Quốc. Hai Phượng cũng là bộ phim xuất sắc tranh tài với 14 bộ phim đến từ các quốc gia khác để lọt vào vòng để cử “Phim xuất sắc” và “Nữ diễn viên chính xuất sắc” tại Liên hoan phim châu Á Osaka 2019. Ngoài ra, phim còn được Netflix - dịch vụ phát hành phim trực tuyến hàng đầu thế giới mua bản quyền và chiếu ở 100 quốc gia trên thế giới.

Công bằng mà nói, Hai Phượng đã đưa thể loại phim hành động nước nhà lên một tầm cao mới cùng với câu chuyện đầy tính nhân văn. Bộ phim này được đầu tư lớn với chi phí sản xuất lên cả triệu USD, có một câu chuyện đơn tuyến: hành trình đi tìm đứa con gái nhỏ bị bắt cóc của một người mẹ đơn thân. Từng từ giã quá khứ nhúng chàm để lui về vùng quê ở ẩn nuôi con, Hai Phượng (Ngô Thanh Vân thủ vai) tìm mọi cách để giải cứu con mình. Hai Phượng gây ấn tượng mạnh nhờ xây dựng được một bối cảnh đặc biệt, xuất thân của nhân vật và những pha hành động mang đậm bản sắc Việt. Các cảnh giao đấu trong phim tạo được cảm giác căng thẳng, dồn nén nhờ nhịp phim nhanh, cắt dựng hiện đại và các góc quay tạo sự phấn khích cho khán giả. Những màn cuộc rượt đuổi, cận chiến diễn ra xuyên suốt và trên nhiều phương tiện giao thông như xe máy, thuyền, tàu hỏa... không khác gì “bom tấn” của Hollywood.  Và theo chân Hai Phượng, đời sống của làng quê hay đô thị Việt Nam hiện lên đầy màu sắc. Đó không chỉ là vẻ đẹp thơ mộng của sông nước làng mạc, sự trù phú của thiên nhiên mà còn là cuộc sinh tồn của con người.

Hai Phượng dự Oscar 2020Hai Phượng - phim Việt vừa được chọn dự sơ tuyển giải Oscar lần thứ 92.

Nhưng dù tạo nên cơn “sốt” với khán giả và tiếng vang kể trên, Hai Phượng cũng không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém. Khán giả “sành” xem phim hành động đánh giá, dù có bối cảnh và hành động tốt, bộ phim này vẫn rơi vào điểm yếu cố hữu của phim Việt là kịch bản yếu kém. Nội dung phim na ná Taken (phim hành động, tâm lý của Mỹ và Pháp) nhưng tình tiết được xử lý ngô nghê. Chưa kể, việc xây dựng hình tượng nhân vật Hai Phượng có phẩm chất siêu anh hùng chưa sát với thực tế, nhiều khi phi lý. Ngoài ra, những cảnh hài hước không phù hợp, tuyến nhân vật phụ thừa thãi...cũng khiến bộ phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt và “đả nữ” Ngô Thanh Vân giảm đi phần hấp dẫn.

Thực tế cho thấy, mặt bằng chung phim Việt ra rạp từ cuối 2018 đến nay, Hai Phượng là tác phẩm nổi bật và xứng đáng nhất để đến với Oscar 2020. Nếu so với Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung), phim này có doanh thu phòng vé vào dạng “khủng” nhưng kịch bản có nhiều chi tiết thiếu hợp lý, diễn tiến tâm lý nhân vật không thuyết phục. Một cái tên khác là Lật mặt 4: Nhà có khách thể loại phim hài pha kinh dị của ca sĩ  - nhà sản xuất Lý Hải, dù tạo ra sức hút truyền thông, doanh thu tốt nhưng đây vẫn là tác phẩm giải trí đơn thuần. Với một cốt truyện khá đơn giản, thậm chí xem xong hầu như không đọng lại điều gì nhưng bù lại được sự hấp dẫn thông qua các tình tiết hài - kinh dị được cài cắm khéo léo một cách liên tục. Song càng về cuối, câu chuyện trong Lật mặt 4: Nhà có khách càng trở nên nhàm chán và lộ ra hàng loạt tình tiết vô lý, mâu thuẫn với các chi tiết được xây dựng lúc đầu. Một số phim như Chị trợ lý của anh (đạo diễn Mỹ Tâm), Anh thầy ngôi sao (đạo diễn Đỗ Đức Thịnh) không phải những tác phẩm thảm họa song khi phim khép lại, khán giả cũng mau quên vì nội dung chưa để lại nhiều ấn tượng.

Dù sao, Hai Phượng cũng là điểm sáng của điện ảnh Việt, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tác phẩm sẽ có suất vượt qua vòng sơ tuyển giải Oscar lần thứ 92. Bởi trước đó, phim Việt như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cha cõng con, Trúng số, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt, Khát vọng Thăng Long, Mùi cỏ cháy... được đánh giá cao nhưng đều bị loại ngay từ “vòng gửi xe” giải Oscar. Không phải phim Việt thua kém kỹ xảo, không có cốt truyện mà là do cách kể, cách quan sát vấn đề của phim Việt cũ. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, phim Việt chật vật ở những ngày hội phim lớn và uy tín như Oscar vì thiếu dấu ấn dân tộc, bản sắc văn hóa ở trong đó. Giới làm nghề cũng thừa nhận, so với bạn bè quốc tế, cái thiếu ở phim Việt vẫn là tài kể chuyện, ngôn ngữ điện ảnh và tầm cỡ vấn đề đặt ra. Vì vậy việc Hai Phượng có cơ hội lọt danh sách 5 tác phẩm đề cử chính thức “Phim điện ảnh quốc tế” và đem về tượng vàng Oscar vẫn được đánh giá “mơ về nơi xa lắm”.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn