Hà Nội

Hai phụ nữ hoại tử hậu môn nặng nề vì đắp thuốc nam chữa bệnh trĩ

21-09-2018 11:13 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sống chung với bệnh trĩ đã 12 năm nay nhưng chị H. không điều trị mà lại đi đắp thuốc nam với hi vọng khỏi bệnh, gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng, hậu môn bị hoại tử nặng nề.

Tự chữa trị bằng thuốc nam "tiền mất tật mang"

Chỉ trong một ngày 18/9/2018, các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật cắt trĩ cho 2 trường hợp bị hoại tử hậu môn sau khi đắp thuốc nam điều trị bệnh trĩ.

Bệnh nhân là chị H.T.H (36 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ) sống chung với bệnh trĩ đã 12 năm nay. Thời gian gần đây, chị H. nghe nhiều người quen giới thiệu đi điều trị bằng thuốc nam khỏi bệnh nên chị đã xuống Hà Nội để điều trị.

Tuy nhiên sau khi đắp thuốc, bệnh không những không khỏi mà càng ngày chị H. càng đau nhiều. Đến ngày điều trị thứ 6, chị H. không chịu nổi nên đã bỏ về và vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Một trường hợp khác, bệnh nhân L.T.H.N (36 tuổi, trú tại Phù Ninh, Phú Thọ) phát hiện bệnh trĩ khoảng hơn 1 năm nay. Lúc đầu khi đi khám, bệnh trĩ của chị mới ở giai đoạn 1,2 nhưng vì tâm lý e ngại bệnh ở vùng "nhạy cảm" nên chị không điều trị tại bệnh viện. Nghe người quen mách bảo đắp thuốc nam sẽ khỏi bệnh nên chị N. đã nhờ người mua thuốc từ trong miền Nam gửi ra để tự điều trị.

Theo lời kể của bệnh nhân, loại thuốc chị mua gồm 2 gói: 1 gói màu xanh được quảng cáo là bôi cho rụng trĩ, 1 gói màu trắng dùng sau khi rụng trĩ thì bôi để mau lành. Tuy nhiên, chỉ sau khi đắp thuốc được 4 ngày, bệnh nhau đau vật vã không chịu nổi và phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Ngày 18/9/2018, cả hai trường hợp này được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật cắt trĩ và may mắn được cứu chữa kịp thời.

Các bác sĩ phẫu thuật cắt trĩ cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Chớ chủ quan với căn bệnh top đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn

BSCKII. Nguyễn Quang Hòa – Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: Đây là hai trường hợp điển hình mà Khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận, người bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ nhưng không đến cơ sở y tế uy tín điều trị mà đi điều trị bằng thuốc nam, lang băm, đến khi nhập viện cấp cứu thì đã trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hậu môn bị hoại tử.

Theo các bác sĩ, trĩ là căn bệnh “khổ mà khó nói” bởi lẽ đây là bệnh lý của vùng hậu môn trực tràng khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Tuy nhiên, điều đáng nói là căn bệnh này có tỉ lệ mắc khá cao ở nước ta, dao động từ 35 – 50%, và đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Thậm chí ngay từ xa xưa, dân gian đã có câu “thập nhân cửu trĩ” (cứ 10 người thì tới 9 người mắc căn bệnh này), với các biểu hiện chính của bệnh là khó đi ngoài, chảy máu hậu môn, sa búi trĩ...

Bệnh trĩ xuất hiện phổ biến và gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt có nhiều ở người cao tuổi. Song đa số người bệnh chủ quan nghĩ đơn giản rằng bệnh trĩ chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà không lường được những biến chứng nguy hiểm của nó.

Hiện nay, ngoài điều trị bệnh trĩ theo y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng được rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ y học cổ truyền chứ không phải tự chữa bằng các bài thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc gây hậu quả nặng nề.

Từ hai ca bệnh này, BSCKII Nguyễn Quang Hòa cũng khuyến cáo người dân khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Ăn gì để phòng bệnh trĩ?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ dinh dưỡng đóng góp nhiều đến vấn đề phát sinh bệnh trĩ. Chế độ ăn không hợp lý, mất cân đối trong thời gian kéo dài là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.

Để dự phòng căn bệnh này, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân nên quan tâm lựa chọn những thực phẩm tự nhiên có nhiều chất xơ bình thường và chất xơ hòa tan. Một số thực phẩm cần ưu tiên như các loại rau nhiều chất nhớt (như mồng tơi, rau đay, đậu bắp...); các loại quả chín có tác dụng nhuận tràng (như đu đủ chín, chuối chín...); ngũ cốc nguyên hạt (như gạo lứt, gạo nảy mầm nhiều chất xơ hòa tan...) giúp hấp thụ nước trong đường ruột, giúp nhuận tràng, đẩy phân ra ngoài, ngăn ngừa táo bón và hạn chế bệnh trĩ.

Và đặc biệt, uống đủ nước cũng là vấn đề cần lưu tâm, nhất là các cháu học sinh vận động nhiều cần phải bổ sung thêm nước, trung bình cần 1,5-2 lít nước mỗi ngày - bác sĩ tư vấn.

Dương Hải
Ý kiến của bạn