Tháng 7/2023, trong 1 lần lao động tại Hải Phòng, anh T.V.T (36 tuổi, quê quán huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không may bị tai nạn lao động và ngón tay cái trên bàn tay phải bị cụt. Kể từ đó, anh T.V.T gần như không còn khả năng lao động với bàn tay phải, việc cầm, nắm hay sinh hoạt vô cùng khó khăn khiến anh T.V.T càng thêm tự ti.
Chấn thương sau tai nạn khiến phần mỏm cụt bàn tay phải đau buốt thường xuyên càng khiến anh T. rơi vào bế tắc, chán nản. Qua tìm hiểu và được người quen tư vấn, anh T. trình bày nguyện vọng được các bác sĩ của BV Việt Tiệp phẫu thuật, nối ghép ngón tay cái bị cụt.
Sau khi tìm hiểu và sàng lọc hồ sơ bệnh án, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã chọn ca bệnh T.V.T để triển khai kỹ thuật mới bởi đây là ca bệnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có 1 vợ và đang nuôi 3 con nhỏ ở quê nhà.
Qua thăm khám bệnh nhân, bác sĩ đã quyết định lấy ngón II chân phải (cạnh ngón chân cái), để chuyển lên tạo hình ngón cái tay phải cho anh T bởi tính tương đồng, kích thước ngón chân đó gần giống với ngón tay cái còn lại của bệnh nhân. Ngoài ra vẫn đảm bảo được chức năng của bàn chân cho ngón với ngón chân cái còn nguyên vẹn.
Để tiến hành ca phẫu thuật này, các bác sĩ yêu cầu và hướng dẫn bệnh nhân vận động đi lại leo cầu thang 10 ngày tần suất cao để giãn động mạch ngón chân để khi nối động mạch ngón chân vào ngón tay sẽ thuận lợi khi nối động mạch ngón chân vào động mạch ngón tay. Các xét nghiệm cơ bản, chụp dựng hình mạch ở bàn chân và bàn tay cho thấy các chỉ số trong giới hạn đủ đảm bảo cho triển khai phẫu thuật.
Sáng 19/1, ca phẫu thuật được triển khai với 2 kíp phẫu thuật song song chuyển ngón II bàn chân phải lên tay, tái tạo ngón I tay phải cho bệnh nhân T. Các bác sĩ nẹp vít kết hợp xương, tiến hành khâu tạo hình phục hồi lại gân gấp ngón cái dài, các gân duỗi ngón cái dài, ngón cái ngắn; khâu nối động mạch, tĩnh mạch của vạt với động mạch cấp máu ở bàn tay và nối phục hồi dây thần kinh chi phối ngón tay cái bên phải. Việc chuyển ngón chân lên bàn tay cần kết hợp xương, khâu gân gập và duỗi, nối mạch máu và thần kinh cảm giác. Toàn bộ cuộc phẫu thuật được thực hiện dưới kính lúp vi phẫu thuật.
Sau 6 giờ phẫu thuật vi phẫu, bệnh nhân đã có thể co gấp ngón, báo hiệu ca phẫu thành công. Bệnh nhân được tập sớm và vận động ngay sau mổ. Đến nay, kết quả ca vi phẫu rất khả quan. Bệnh nhân được phục hồi ngón cái của tay phải với kích thước tương đương so với ngón tay của bàn tay lành…
Là người trực tiếp tham gia quá trình phẫu thuật cùng các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, BSCKII. Nguyễn Cao Viễn – Trưởng Đơn vị Vi phẫu, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Bàn tay có vai trò rất quan trọng trong lao động, đặc biệt là ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay. Do đó, việc tạo hình lại ngón tay cái với những bệnh nhân bị cụt ngón cái như trường hợp của bệnh nhân T.V.T là rất cần thiết, quan trọng trong quá trình điều trị.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa điều trị yêu cầu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), kỹ thuật vi phẫu chuyển ngón chân, nối ghép tạo hình thành ngón tay đảm bảo chức năng vận động, cảm giác và thẩm mỹ là rất phức tạp và là ca đầu tiên thực hiện kỹ thuật này tại BV Hữu nghị Việt Tiệp.
Với kỹ thuật này, người bệnh được tạo hình lại ngón như bình thường, bảo đảm các chức năng tốt. Do đó, việc phẫu thuật chuyển ngón chân lên tạo hình ngón tay luôn là một thử thách đối với các phẫu thuật viên, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm, và kiến thức chuyên môn sâu. Đối với một bệnh nhân tạo hình ngón tay cái, ngoài mục tiêu phục hồi chức năng, cảm giác, các bác sĩ sẽ cân nhắc phương án sao cho đạt tính thẩm mỹ cao để cho ngón ghép phù hợp với các ngón khác, tương đồng với ngón cái còn lại.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Bệnh Nhân Đái Tháo Đường Có Nên Kiêng Hoa Quả Ngọt Hay Không?