Trước đây, các hộ gia đình chủ yếu trồng ngô, ớt, khoai với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng mỗi vụ (4 tháng) hoặc 5-6 triệu đồng mỗi vụ (6 tháng) đối với rau màu thì khi trồng cúc chi, nguồn lợi kinh tế của các hộ đã tăng gần gấp đôi.
Theo bà Cao Thị Sim (57 tuổi), người có 7 năm kinh nghiệm trồng cúc chi, mỗi sào (360 m²) chỉ mất 4 tháng để cho thu hoạch, mang lại doanh thu gần 100 triệu đồng/vụ.
Bà Cao Thị Hằng – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Thủy chia sẻ: "Khi mới tham gia HTX, chúng tôi nhận thấy, quy mô trồng cúc chi tại địa phương chỉ dừng ở nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Trong khi, hoa cúc chi lại là dược liệu rất tốt cho sức khỏe nếu được phát triển nhân rộng. Theo đó, tôi đã cùng HTX thực hiện các giải pháp bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, bắt tay xây dựng thương hiệu cho hoa cúc chi của xã. Đến nay, diện tích trồng cúc chi tại địa phương đã mở rộng lên đến 7ha, trở thành nguồn lợi kinh tế nông thôn mới cho nhiều người dân nơi đây".
"Tính ra, một sào hoa cúc chi cho thu hoạch khoảng 2-3 tạ hoa, một số diện tích trồng muộn nên năng suất thấp hơn, chỉ khoảng 1,5 tạ/sào. Mỗi kg hoa bán ra khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg, bà con thu về 9-10 triệu đồng/sào, cao gấp 10 lần trồng lúa" - bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, để nâng cao giá trị sản phẩm hoa cúc chi khô khi ra thị trường, HTX cũng tập trung vào việc chế biến chuyên sâu cho hoa cúc chi tươi. Sau khi thu nhận hoa cúc chi tươi từ các hộ, số lượng này được chuyển lên Hưng Yên thuê máy sấy khô, đóng gói và tiêu thụ. Chi phí sấy hoa cúc chi hiện nay vào khoảng 20.000 đồng/kg hoa tươi, với tỷ lệ 10kg hoa tươi tạo ra 1kg hoa khô. Tuy nhiên, việc thuê máy sấy từ các cơ sở bên ngoài vẫn là một khó khăn, khi chi phí đầu tư máy sấy chuyên dụng lên tới 600 triệu đồng.
Cũng theo bà Hằng, nếu sớm có được máy sấy chuyên dụng, đảm bảo nguồn lợi từ sản xuất, chế biến dược liệu cúc chi sẽ tăng lên nhiều vì công suất thành phẩm tăng lên, giá thành chi phí vận chuyển giảm.
Theo đánh giá của chính quyền huyện Vĩnh Bảo, việc phát triển mô hình trồng hoa cúc chi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc thay đổi diện mạo nông thôn. Đối với người dân xã Thắng Thủy, cúc chi không chỉ là một loại cây trồng mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, trở thành một trong những loại cây đặc trưng, chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động từ việc canh tác cây trồng truyền thống. Đồng thời, sản phẩm từ hoa cúc chi khi được chứng nhận OCOP 4 sao trong năm 2025 sẽ giúp khẳng định thương hiệu nông sản địa phương trên thị trường, mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Chia sẻ về mô hình sản xuất cúc chi ở xã Thắng Thủy, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Bảo bày tỏ: "Huyện đoàn đánh giá rất cao về sản phẩm OCOP Trà hoa cúc chi của HTX Thắng Thủy. Huyện đoàn mong HTX tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của quê hương. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ HTX trong việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, cũng như hỗ trợ, hướng dẫn HTX làm các thủ tục để nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao vào cuối năm nay".
Mời quý vị xem thêm video thu hoạch dược liệu hoa cúc chi ở xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo dưới đây:
Cánh đồng hoa cúc chi xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đang vào mùa thu hoạch.