Hải Phòng nở rộ hoạt động kinh doanh giáo dục sau Thông tư 29

08-03-2025 10:26 | Xã hội

SKĐS - Chưa đầy 1 tháng kể từ khi Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hoạt động kinh doanh giáo dục ở Hải Phòng đã nở rộ với gần 1.000 trung tâm đăng ký kinh doanh.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng (Sở GD&ĐT) cho biết, thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hải Phòng có gần 1.000 cơ sở được đăng ký kinh doanh ngành nghề liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, trước khi có Thông tư số 29, số cơ sở dạy thêm trên địa bàn Hải Phòng được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục chỉ có 150 doanh nghiệp; số cơ sở được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động là 105 trung tâm bồi dưỡng kiến thức

Tuy nhiên, từ khi Thông tư số 29 được ban hành và có hiệu lực, số lượng tổ chức/cá nhân mới đăng ký kinh doanh tính từ tháng 1/2025 đến ngày 28/2/2025 đã tăng vọt.

Hải Phòng nở rộ hoạt động kinh doanh giáo dục sau Thông tư 29- Ảnh 1.

Các cơ sở dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng kiến thức ở Hải Phòng nở rộ sau Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: TL

Cùng thời điểm năm ngoái, số lượng hồ sơ đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2025 tăng 184,73%, trong gần 2 tháng đầu năm 2025 số doanh nghiệp và chi nhánh, địa điểm kinh doanh đăng ký ngành nghề đăng ký ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là 278, đạt 85,8% so với cả năm 2024; trong đó cơ sở được Sở GD&ĐT cấp giấy phép là 14 cơ sở.

Tại Phòng Kế hoạch tài chính các quận, huyện (đơn vị cấp phép cơ sở kinh doanh), từ khi Thông tư số 29 ban hành đến nay đã có 678 cơ sở kinh doanh được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại 14 quận, huyện, thành phố trên địa bàn (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, nhiều nhất là TP Thủy Nguyên với 130 cơ sở, quận Hải An (98 cơ sở), quận Ngô Quyền (83 cơ sở), quận Lê Chân (66 cơ sở), quận Kiến An (61 cơ sở), An Dương (50 cơ sở). Ít nhất là quận Đồ Sơn và huyện An Lão với lần lượt 8 và 6 cơ sở.

Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn Hải Phòng, ngay khi Thông tư 29 ra đời, hầu hết mọi người đều đánh giá có tích cực đổi mới trong việc nâng cao quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, khó khăn nhất là kinh phí đóng học thêm bị đội lên rất nhiều khi phải ra trung tâm học. Thay vì trước đây học thêm trong trường, học sinh chỉ đóng hơn 720 nghìn đồng/ 5 môn/ tháng nhưng nay ra ngoài trung tâm, số tiền đóng học phải gấp nhiều lần. 

Nhiều ý kiến cho rằng điều này gây bất lợi và thiệt thòi cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có mức kinh tế thu nhập thấp. Chưa kể, cơ sở vật chất và hạ tầng, bộ máy quản lý của nhà trường có sẵn, đảm bảo tốt hơn thì bỏ không, rất lãng phí. 

Một trong những băn khoăn khác đó là giáo viên không được dạy học sinh chính khoá của mình, nếu có dạy thì không được thu tiền. Đa số thầy cô cho rằng, xét về góc độ tình và lý thì việc học thêm là tự nguyện của học sinh nhưng với Thông tư 29, việc đăng ký học thêm cô giáo của mình trên lớp lại đang bị hạn chế.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hải Phòng, Thông tư 29 giúp các đơn vị quản lý giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm cũng như hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định. Thông tư này ra đời, góp phần đảm bảo tính công bằng trong giáo dục; giảm bớt sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các học sinh; hạn chế tình trạng giáo viên dạy thêm cho chính các học sinh đang dạy trên lớp, gây mất công bằng trong đánh giá và giảng dạy. Đồng thời giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh về việc phải tham gia các lớp học thêm. Đặc biệt, Thông tư đã chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý về dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư 29 cũng có một số khó khăn như: Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, đặc biệt là đối với các lớp học thêm tự phát, các cơ sở dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông tư đòi hỏi các đơn vị chức năng phải phối kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, đồng thời phải có nguồn lực và nhân lực đủ mạnh. Nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh vẫn còn cao, đặc biệt là đối với các môn học quan trọng trong các kỳ thi. Việc thay đổi nhận thức và thói quen học tập của học sinh và phụ huynh cần có thời gian...

Theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, qua kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm tại các trường học trên địa bàn cho thấy, về cơ bản, các trường chấp hành quy định dạy thêm, học thêm.

Giáo viên "đôn đáo" đi đăng ký kinh doanh dạy thêmGiáo viên 'đôn đáo' đi đăng ký kinh doanh dạy thêm

SKĐS - Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều giáo viên đã thực hiện các thủ tục để đăng ký kinh doanh để dạy thêm ngoài trường học theo đúng quy định.


.

MInh Lý
Ý kiến của bạn