Bệnh viện trẻ em Hải Phòng vừa cho biết, trong nhiều ngày qua, Khoa ngoại chấn thương của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bệnh do bị tai nạn pháo nổ.
Cụ thể, vào lúc 19h30 ngày 25/12/2022, bệnh nhi Đỗ V.H, 8 tuổi (xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng bị pháo nổ nát bàn tay. Theo lời khai của gia đình, trước đó, cháu Đỗ V.H nhặt được quả pháo ngoài đường, đem về châm lửa đốt. Chờ mãi không thấy pháo nổ, bệnh nhân cầm lên để xem thì bất ngờ quả pháo phát nổ. Hậu quả, bàn tay phải của bệnh nhân bị bỏng, nát cả bàn tay, nguy cơ cắt cụt bàn tay.
Cùng ngày, vào lúc 19h50 ngày 25/12, bệnh nhi Nguyễn Đ. H, 13 tuổi (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng bị bỏng vùng mặt, cổ và được chẩn đoán bỏng độ 2. Theo lời khai ban đầu khi vào viện, trẻ tự mua thuốc bên ngoài về nhà tự chế thuốc pháo theo clip trên mạng. Trong quá trình tự chế, không ngờ thuốc pháo phát nổ dẫn đến cháu Đ.H bị thương. Sau vài ngày điều trị tích cực tại đây, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị tại Viện Bỏng quốc gia.
Tương tự, bệnh nhi Bùi Đ.T, 13 tuổi (Kiến Thụy, Hải Phòng) nhập viện 7 giờ ngày 24/12 khi đang đốt pháo. Theo lời khai của gia đình, trẻ châm ngòi pháo nhưng chưa kịp ném ra xa thì pháo nổ, gây chấn thương, bỏng nát bàn tay phải.
Trước đó, ngày 21/12/2022, bệnh nhi Bùi Đ.P, 13 tuổi ở Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng nhập viện BV Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng bị bỏng nặng độ 2, 3 bàn tay phải. Trường hợp này cũng đi mua thuốc nổ về tự chế. Trong lúc đang tự chế pháo, bất ngờ thuốc phát nổ gây bỏng nặng bàn tay phải.
Theo nhận định của các bác sĩ bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, những trường hợp vết thương bàn tay là tổn thương phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời, khả năng cao phải cắt cụt cả bàn tay. Đây đều là những người bệnh còn nhỏ tuổi, nếu cắt cụt bàn tay sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của trẻ. Điều này đã thôi thúc các bác sĩ cố gắng để bảo tồn được bàn tay của người bệnh. Theo đó, với những trường hợp tổn thương nặng ở bàn tay, êkip cấp cứu đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật xử lý vết thương, cắt lọc tổ chức dập nát, nối vi phẫu, xuyên đinh cố định xương bàn ngón tay bảo tồn các ngón bị tổn thương. Sau phẫu thuật, đa số người bệnh ổn định.
Về trường hợp bỏng vùng mặt do pháo nổ, các tổn thương phần mềm vùng mặt không những ảnh hưởng đến thẩm mĩ mà còn có nguy cơ bỏng đường hô hấp gây nhiều biến chứng nặng.
Các trường hợp này được các bác sỹ đầu ngành chấn thương, tạo hình thẩm mĩ, vi phẫu tiến hành các kíp mổ song song phục hồi, cố định xương gãy bằng các đinh vít, nối vi phẫu mạch máu, thần kinh và các gân cơ đứt dập, tạo hình chuyển vạt da có cuống mạch nuôi vi phẫu để che phủ ổ khuyết vết thương, với mục đích phục hồi tốt nhất có thể bàn ngón tay, giảm thiểu di chứng, bảo đảm kỹ năng hoạt động của bàn ngón tay sau này.
Theo BS CKI Nguyễn Quang Hiếu – Phó Trưởng khoa Ngoại Chấn Thương cho biết: "Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế. Hiện nay, tình trạng buôn bán các loại thuốc nổ tự chế khá tràn lan, trẻ em có thể tự mua về chế ra pháo nổ. Từ đó, nguy cơ thương tích do pháo nổ ở trẻ có phần gia tăng".
Theo bác sĩ Hiếu, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.
Đồng thời các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.
Mời quý vị xem video khác dưới đây:
Cháy lớn thiêu rụi xưởng sản xuất xốp cách nhiệt ở Quảng Ninh