Mới chỉ dừng ở cập nhật số liệu và hướng dẫn
Là nhóm người yếu thế, người khuyết tật chủ yếu sống dựa vào sự trợ giúp của cộng đồng. Không chỉ cần trợ giúp từ tinh thần, người khuyết tật còn cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.
Tại Hải Phòng, từ năm 2017, thực hiện quyết định số 3815/QĐ-BYT về việc triển khai hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật, Sở Y tế Hải Phòng đã thực hiện kế hoạch Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030. Theo đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Phòng được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tập huấn triển khai cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế một số địa bàn như huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, quận Dương Kinh, Lê Chân. Việc triển khai mới dừng ở 2 bước: Cách điều tra, thu thập thông tin tình trạng người khuyết tật trên phần mềm hệ thống và hướng dẫn kỹ thuật phục hồi chức năng.
Tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, từ năm 2018 thực hiện kế hoạch này, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các Trạm y tế thực hiện quản lý các đối tượng người khuyết tật, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Qua đó cho thấy, toàn huyện có 9.015 người khuyết tật/ 37xã, thị trấn thuộc huyện. Trong số 9.015 người khuyết tật có 3630 người khuyết tật khó khăn về vận động; 586 người khuyết tật khó khăn trong nghe nói; 1115 người khuyết tật khó khăn về nhìn; 817 người khuyết tật có khó khăn về trí tuệ nhận thức; 1192 người khuyết tật về thần kinh, tâm thần; 1056 người khuyết tật về các bệnh khác và 619 người khuyết tật về các bệnh liên quan đến Dioxin.
Từ số liệu thu thập được, Trung tâm Y tế đã phối hợp Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố triển khai tập huấn, hướng việc sử dụng phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật đối với cán bộ chuyên trách trung tâm Y tế và 37 cán bộ chuyên trách trạm Y tế xã, thị trấn. Theo đó, tổng số bệnh nhân nhân/người khuyết tật đã được cập nhật thông tin vào phần mềm của huyện Thủy Nguyên là 7384/9015 bệnh nhân, đạt tỉ lệ 81.9%.
Cùng với đó, những cán bộ này cùng người nhà người khuyết tật được tham gia tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về phục hồi chức năng để họ có kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khuyết tật ngay trong cộng đồng.
Cái khó "bó" chương trình
Ghi nhận tại Trạm Y tế xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, nhân lực cả Trạm có 7 người gồm 1 bác sĩ, 4 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 cán bộ dân số nên khi triển khai việc hướng dẫn hay chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật không thể thường xuyên do còn phải đảm trách công việc chuyên môn thường quy của đơn vị. Việc triển khai chăm sóc sức khỏe người khuyết tật dựa vào cộng đồng hiện mới chỉ dừng ở cập nhật số liệu, phân loại mức độ khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy- Phó trưởng trạm y tế xã Tân Dương chia sẻ: Qua số liệu đánh giá tại địa bàn xã Tân Dương, hiện có 232 người khuyết tật với nhiều mức độ khuyết tật khác nhau như vận động, nghe, nhìn. Tất cả họ đều có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là nguồn kinh phí để sắm trang thiết bị hỗ trợ cho họ như xe lăn, xe tập đi, máy trợ thính, thị giác v.v…; thậm chí để làm việc này cũng cần có thêm nhân lực y tế giúp sức, hướng dẫn tập luyện và giám sát, chăm sóc sức khỏe. Nếu được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì việc phục hồi, cải thiện sức khỏe cho người khuyết tật sẽ được cải thiện nhiều.
Là trường hợp duy nhất mà Trạm Y tế xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên phải cắt cử người thường xuyên tới giúp phục hồi chức năng là bệnh nhân Phan Thị Tha, 59 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình bà Tha chỉ có 2 mẹ con, người con đi làm xa nhà nên mọi sự chăm sóc về y tế chỉ trông chờ vào nhân viên của Trạm.
Bà Phan Thị Tha bị khuyết tật mức độ rất nặng sau cơn bạo bệnh tai biến mạch máu não và liệt nửa người phải, tổn thương hệ thần kinh trung ương, phát âm khó khăn, đi lại phải có sự trợ giúp của người khác. Tính đến thời điểm này, bà Tha đã được tiếp cận dịch vụ chăm sóc phục hồi chức năng được 3 năm với việc xoa bóp, bấm huyệt, vận động cơ tay, chân.
Chia sẻ về công việc này, Trưởng Trạm Y tế Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên - Bùi Thị Mỹ Nữ cho biết: "Xã Thủy Sơn có nhiều trường hợp bị khuyết tật với các cấp độ rất nặng, nặng, trung bình và rất cần được hỗ trợ phục hồi chức năng. Tuy nhiên, bệnh nhân không thể tự tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám điều trị dẫn đến thiệt thòi; trong khi đó nhân lực của Trạm lại không chuyên trách, có làm cũng chỉ dừng ở việc tư vấn, hướng dẫn chăm sóc. Để giúp người khuyết tật thực sự có cơ hội khôi phục chức năng sớm, ngoài việc hướng dẫn tập luyện cần có công cụ hỗ trợ họ như xe tập đi, nạng chống, thiết bị dụng cụ chuyên dụng, các thiết bị hỗ trợ về thính lực, thị lực…".
Bác sĩ Đào Thanh Phúc- Trưởng khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế Thủy Nguyên cho biết: "Trong những năm 2018-2022, đơn vị đã phối hợp cùng bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố hoàn thành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, hướng việc sử dụng phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật của Bộ Y tế đối với cán bộ chuyên trách của trung tâm Y tế và 37 cán bộ chuyên trách trạm Y tế xã, thị trấn. Qua triển khai, các cán bộ đã nắm bắt, thành thạo các thao tác nhập bệnh nhân, quản lý và báo người khuyết tật bằng phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật. Phía cộng tác viên, bệnh nhân và gia đình người khuyết tât cũng được nâng cao năng lực, kiến thức về phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe, các kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho nạn nhân tại nhà theo hình thức tổ chức tập trung. Để việc chăm sóc, phục hồi chức năng được tốt, người tập huấn phải xác định chọ bài tập phù hợp cho từng mức loại bệnh để hướng dẫn tập; Hướng dẫn gia đình thay đổi nhà cửa phù hợp với tình trạng của người khuyết tật; Hướng dẫn cho người nhà biết làm và sử dụng các dụng cụ trợ giúp đơn giản cho người khuyết tật: gậy, nạng, khung tập đi, thanh song song, tay vịn gắn trên tường, đường lên xe lăn…; hướng dẫn sinh hoạt ăn uống, vệ sinh cá nhân, dùng thuốc theo đơn, chuyển tuyến điều trị…
Về phía các Trạm y tế theo dõi, giám sát, hỗ trợ và động viên gia đình tập luyện phục hồi chức năng tại nhà cho người khuyết tật và tổng hợp số liệu báo cáo. Phối hợp với ban ngành đoàn thể địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được đi học, người lớn khuyết tật được học nghề, tham gia lao động sản xuất và tham gia các sự kiện xã hội.
Theo đánh giá của ông Bùi Vi Thế - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thủy Nguyên, do thời gian triển khai hoạt động có hạn nên độ bao phủ về nâng cao năng lực, kiến thức của cộng tác viên, người khuyết tật và gia đình về phát hiện sớm, can thiệp sớm những vấn đề sức khỏe, các kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho nạn nhân tại nhà còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Nhân lực y tế cho công tác quản lý chăm sóc người khuyết tật, phục hồi chức năng còn hạn chế do phải đảm nhiệm nhiều công việc chuyên môn, kiến thức về công tác chăm sóc người khuyết tật, phục hồi chức năng chưa chuyên sâu, đội ngũ cộng tác viên y tế thôn được hưởng chế độ phụ cấp thấp. Kinh phí mua sắm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân cũng không có nên ảnh hưởng nhiều cho việc triển khai. Thậm chí, cũng còn có gia đình người khuyết tật chưa thực sự quan tâm đến việc được cán bộ y tế hướng dẫn và thực hiện tập luyện PHCN cho người khuyết tật theo hướng dẫn hoặc bản thân người khuyết tật chưa kiên trì tập luyện…
Theo đó, để giúp người khuyết tật được chăm sóc và phục hồi chức năng hiệu quả, có cuộc sống ổn định, hoà nhập cộng đồng cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành; đặc biệt việc cấp nguồn kinh phí mua các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện; mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ thuật về phục hồi chức năng, cách phát hiện và can thiệp sớm một số khuyết tật thường gặp cho cán bộ y tế cơ sở và nhân viên y tế thôn. Có như thế, người khuyết tật mới thực sự được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có cơ hội sớm khôi phục chức năng trở lại.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Toàn Cảnh Tin Nóng 24h Ngày 22/12 | Tin Tức Thời Sự Cập Nhật Mới Nhất Hôm Nay | SKĐS